Sao
Biển hỉ nộ ái ố
Năm 1962, Đạt, tên thủ môn xuất sắc của lớp 61, trong buổi đi dạo chiều Chúa
Nhật tại mấy ngọn núi bên cạnh đường quốc lộ, đối diện Cô Nhi Viện Tin Lành, cứ
tưởng mình đang ở trên ngọn Mont Blanc bên Pháp, đã tuột xuống từ trên đỉnh theo
đường mòn do đá vuông mà mấy ông thợ đục đá thả lăn xuống tạo ra. Khi xuống đất
thì... bất tỉnh nhân sự (lẽ dĩ nhiên!). Kết quả là Đạt phải nghỉ hè tại chủng
viện vì một cái chân bị gãy. Sau đó thì chủng viện đã cho Đạt về. Chắc là sợ
Đạt tuột núi lại chăng? LIỀU!
Cũng lớp 61 có anh chàng Huờn, cái tên thật khó đọc, gốc Hộ Diêm, nay đã đổi
tên là Khoa. Người thì không to cho lắm nhưng lại cả gan thọc cái cẳng còng gió
vào giữa chân của hai anh chàng Thượng (dân tộc thiểu số) là Din và Kêu đang
lừa banh. Rụp! Rắc! Thế là lên ông Ba Thăm để bó xương gà. Phải 6 tháng sau cái
giò mới liền lại. Nghĩ lại mới thấy mình DẠI!
Nhớ cái tên Hoàng Pierre, lớp 60, gốc Vinh Phú (không phải là Hoàng Antôn đang
ở Bà Rịa). Hoàng Pierre này ít khi tắm. Chả là vì hồi đó có cả chú Lớn nữa nên
nước giếng ở khu chú Trung cũng trở nên hiếm hoi. Pierre nhà ta lấy cớ đó nên
có lần sau khi chơi bóng rổ, đã nhờ người viết bài này lấy một khúc nứa (lồ ô)
cà sau lưng giùm cho sạch mấy cái lăng nhăng của bụi trần. Thế là xong một bữa
tắm! Ai sạch mặc ai còn ta thì vẫn cứ DƠ!
Cũng cái tên Hoàng đó: giờ étude sau khi ngủ trưa, ít khi học bài. Thường là
ngủ thêm cho đến khoảng 10 phút trước giờ lớp thì mới mở sách... rà
"qualoarờmăng". Thế mà môn gì cũng nhất. Đúng là ở dơ thì học... GIỎI!
Trên vùng Núi Sạn, chỗ trại phung, đi dạo trên đó nhiều khi phải coi chừng mấy
tổ ong ngựa và vò vẽ. Một bữa nọ, có anh chàng Sao Biển lí lắc nào đó không
biết, xách ná ra bắn chơi. Không nhắm chim mà lại nhắm ngay tổ ong ngựa. Bắn
xong thì cả đám rủ nhau chạy. Rủi thay có một người đi xe đạp ngang bờ ruộng.
Vài ba mũi ong chích đã đưa ông ta đi bệnh xá gần đó. Mấy tên giặc bắn ná không
dám hở môi, chỉ biết xin Chúa tha cho mình cái tội NGU!
Anh em có biết tại sao tiểu chủng viện Sao Biển được xây 90 độ góc với bãi biển
không? Đó là thánh ý của Đức cha Marcel Piquet, Giám mục tiên khởi của Nha
Trang. Ngài muốn cho các chú, tuy ở gần biển, nhưng không hưởng được cái mát mẻ
của biển để mà... hãm mình chịu khó. Chả trách gì khi vào nhà nguyện thì mồ hôi
đổ ra vì NÓNG!
Mùa thu 1965. Sau cơm trưa. Nhà chơi chú Trung. Simon Cường (61 thành 60) rình
lấy được đôi dép của Vinh "đỏ" (người viết) và liệng chúng gác lên
mấy cái kèo nhà chơi. Vinh "đỏ"... đỏ mặt lên. Chờ cho mọi người lên
nhà ngủ rồi hai con gà chọi nhào vào... đá... đập... túi bụi. Bỗng nghe
"Alors!", hai con gà quay lại thấy Cha bề trên Jeanningros Vị. Thế là
lủi thủi lên lầu. Giờ étude chiều: hai chàng được gọi vào phòng Cha bề trên.
Nằm xuống! Từ từ, thong thả, Cha bề trên cầm cái "canne" khõ nhẹ lên
mông Vinh đỏ một cái. Rồi từ từ, thong thả, Cha bề trên đi qua phía Simon
Cường, đứng lại, từ từ, thong thả quất nhẹ lên mông Simon Cường một cái. Rồi
lại từ từ, thong thả đi qua phía Vinh đỏ, từ từ, thong thả quất nhẹ một cái lên
mông. Cứ như thế, từ từ và thong thả... tổng cộng hai chàng lãnh đúng mỗi mông
ba gậy! Nằm bên nhau, hai con gà cồ ngó nhau, không phải để dương oai diệu võ,
nhưng vì chịu không nổi nên đành ngó nhau... CƯỜI!
Nguyễn Trung Cả 63 (Chợ Mới): một bữa không trăng, leo qua cửa sổ cuối nhà ngủ
chú Nhỏ, ôm cây cột nhà bếp để tụt xuống... ăn cắp đu đủ. Rủi thay! Đó là cái
ống khói nhà bếp, còn đang nóng sau bữa cơm chiều! Leo lên lại không kịp, vì
đang mặc quần đùi nên hai bên háng bị... PHỎNG!
Lưu Hồng Điệp 61: năm đó (1969, Chúa Chiên Lành, Đà Lạt) nhận nhiệm vụ giật
chuông. Một buổi sáng, đi đến gác chuông như thường lệ rồi giật lấy giật để.
Mọi người thức dậy cũng như thường lệ. Rồi đánh răng, rồi rửa mặt như thường
lệ. Sau đó thì đi vào nhà nguyện như lệ thường. Cha giám đốc Hoàng Kim Đạt bắt
đầu làm dấu rồi xem đồng hồ như thường lệ hay làm. Đồng hồ chỉ 2 giờ sáng!!!
Cha nói, cứ dâng lễ rồi về ngủ lại, sáng dậy, được "miễn lễ!" Lễ
xong, về phòng ngủ thấy Lưu Hồng Điệp vẫn còn an giấc... điệp và hình như đang
thấy anh em đi đi lại lại trong cơn MƠ!
Nguyễn Văn Hội 62, Cây Vông, mặt mũi không đến nỗi. Một buổi sáng nọ, trong nhà
ăn, anh em nhìn thấy mặt Hội thì trợn mắt nhìn: cặp lông mày đã được cạo sạch,
nhìn giống con ma và ngơ ngơ ngáo NGÁO!
Một buổi sáng tháng mười, trời mưa tầm tã. Anh em lớp troisième đứng ngắm cảnh
trước cái vũng nước bên cạnh dãy nhà chú lớn. Nhà thơ Nguyễn Chí Linh (Giám mục
tương lai) đã "ứng khẩu" ăn cắp thơ Nguyễn Khuyến:
"Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Cái gì rơi xuống cũng phải... teo!"
Đành phải khen là thơ có... HỨNG!
Cha Bề Trên Nguyễn Quang Sách thường hay đứng ngay cửa phòng mỗi tối khi các
chú từ nhà nguyện sắp hàng vào nhà cơm. Nghe con chuột nào rúc rích là ngài
dùng chùm chìa khoá phang ngay đầu. Có bữa, không hiểu có chuyện gì nóng hổi mà
các chú nhao nhao nói chuyện. Thế là chùm chìa khoá quất lên mấy cái đầu lia
lịa theo đúng kiểu "mãn thiên hoa vũ" của Hoàng Dung, người đẹp của
chàng trâu nước Quách Tỉnh. Bỗng nghe tiếng la oai oái: "Con đâu có nói mà
cha đập con!" Tiếng bề trên trả lời tỉnh... rụi: "Không nói bữa nay
thì bữa sau nói!" Hết đường kêu OAN! (kể theo lời một CSB)
Hè 1964, các chú ở gần Chủng Viện phải về lại để giúp chạy bàn, giúp lễ cho
tuần tĩnh tâm của các cha trong địa phận. Thời đó, mỗi chú phải giúp ít nhất là
3 lễ, vì chưa có nghi thức đồng tế. Có khoảng 8 bàn thờ nằm phía sau phòng
thánh. Chiều thứ sáu, các chú bắt đầu dọn dẹp bàn thờ. Thay vì đổ rượu dư vào
chai lớn thì... nốc luôn cho tiện, khỏi mất công đổ tới đổ lui, lại còn được
uống rượu lễ ngon lành. Không biết rằng đã nốc gần nửa lít rượu và đến tối thì
rượu ngấm, trong buổi chầu trọng thể có Đức giám mục Piquet chủ sự, Vinh đỏ 61
cầm gậy Đức cha quỳ phía sau, bỗng nhiên thấy trên bàn thờ có nhiều đèn hơn,
hoa lá cũng sum suê nhiều vô kể, và nhất là "không biết tại sao mà lại có
hai Đức cha quỳ trước mình". Sau đó thì lại thấy người lâng lâng. Biết
chắc là không phải do "thần khí linh ứng" hay "xuất thần thiêng
liêng" như Gioan Thánh Giá, nên Vinh đỏ từ từ đứng dậy và đi vào phòng
thánh. May mà có Khang 63 đang làm ông từ đứng đó. Khang mặc áo giúp lễ vào và
cầm gậy Đức cha bình tĩnh đi ra. Còn Vinh đỏ thì đang "ngắc ngư con
tàu" đi vào nhà cố Gervier Lành (không cấm phòng chung) để xin thuốc trị
"cơn say rượu lễ". Ngài cho một thỏi sôcôla và xức "eau de
cologne" đằng sau gáy. Thế là hết cơn xỉn! Sau đó các cha biết chuyện bèn
phán: "Mày may lắm đó. Ngày xưa có một chú làm đổ bình hương mà bị Đức cha
đuổi về liền! Ổng mà biết thì mày tới số!" Từ đó Vinh đỏ không dám uống
rượu lễ lén nữa và mỗi lần ai mời uống thì "trước sau như một, em xin CHỪA!"
1961: các chú mới vào đều có một buổi học giúp lễ. Cái bàn của thầy giám thị
được cất đi và cha quản lý Mollard Lễ làm... lễ trên cái bục. Hoàng Pierre, lớp
60, được chỉ định giúp cố ... Lễ làm ... lễ và quỳ dưới đất. Đến lúc truyền
phép thì nâng áo lễ của cha lên. Cả lớp ngồi dưới đều thấy rõ cái quần đùi của
cha chủ tế vì ngài quên mặc... quần dài! Chỉ biết bụm miệng mà... CƯỜI!
1962: Cha giáo Nguyễn Hữu Ban dạy Pháp Văn. Ngài đẹp trai lại có tài văn
chương, ăn nói, tổ chức, … mọi sự đều "tuyệt cú mèo". Có điều là
nhiều khi nổi hứng bất tử bắt tụi này học chết bỏ. Nếu không thuộc bài thì có
đuôi cá đuối… tăng thêm bộ nhớ. Một bữa, vì cho bài sát ngày quá, cả lớp
septième 61 học không kịp, đành phải ra… chiêu: đứa nào lên trả bài đầu tiên
thì chịu khó đứng sát bụng vào bàn của thầy, rồi dùng tuyệt chiêu nhanh tay dán
bài thơ tiếng Pháp nơi bàn để các anh em sau cứ thế mà đọc… vanh vách. Anh
chàng "vật tế thần" này dĩ nhiên không thuộc bài: "Ra quỳ
đó!" Chàng thứ hai rồi thứ ba rồi thứ tư: đứa nào cũng đọc vanh vách. Rõ
là con nít: ăn vụng không chùi mép. Cha giáo đâu phải người… ngu! Ngài đã nhận
ra "quelque chose qui ne marche pas très bien" với mấy đứa này. Thế
là ngài từ từ đi xuống và… thấy nó! Kết quả: mỗi đứa 5 roi cá đuối! Đúng là
khôn nhưng có hơi… KHỜ!
1965: Cha Giuse Nguyễn Công Nghị làm bề trên và dạy Latinh cho lớp cinquième
61. Tuy dáng người cao ráo, nghiêm nghị nhưng dễ thương đến độ… đơn sơ. Có một
bữa ngài kể cho chúng tôi nghe: "Cha báo cho chúng con một tin vui: cha
vừa gặp bà nhất dòng Bình Cang và than phiền với bà là các chú ở đây phá lắm.
Bà trả lời là đệ tử trên dòng còn phá gấp đôi các chú dưới này." Cha nói
tiếp: như vậy là chúng con cũng không đến nỗi phá phách cho lắm, ngược lại cha
thấy các con có vẻ… NGOAN!"
1966: lớp trên lớp dưới, chú Nhỏ, chú Trung, chú Lớn… Nghe ra có phần kỳ thị,
chia rẽ, nhưng trong xã hội, cộng đồng nào cũng có những hiện tượng "phân
biệt" như vậy. Cái đáng buồn là nhiều khi phân biệt để mà đối xử không
công bằng, không bác ái, để mà cho mình được chút hư danh phù phiếm. Chú Lớn,
chú Nhỏ: hơn nhau 1 lớp cũng đủ làm chú Lớn (lớp 6ème v/ lớp 7ème). Thế nhưng
cái nghịch lý là chú Nhỏ biết chú Lớn nhiều hơn, có khi nhìn lên để mà ngưỡng
mộ, cũng có khi nhìn lên để mà… tránh, hay nói cho văn vẻ, để mà "kính nhi
viễn chi". Ai cũng đã phải qua cái đoạn trường này, trừ (luật nào cũng có
luật trừ, ngoại trừ cái "chân lý" trong ngoặc này) những ông Sao Biển
ở chóp bu, chỉ dưới các cha giáo và thầy giám thị mà thôi. Và ở vế dưới kia, là
các chú của cái lớp sau cùng của tiểu chủng viện Sao Biển (1974-1975 hư thai
sớm, chưa kịp ra trường!): không có chú nào Nhỏ hơn để mà… HIÊN NGANG.
Thế nhưng, ngẫm suy cuộc đời như bóng câu qua cửa sổ thì 40 năm sau, thằng lớn
50 thì thằng nhỏ cũng đã… 49. Cũng râu ria, cũng con cháu, cũng đau lưng, nhức
mỏi, cũng bầm dập… như nhau chứ có khác gì hơn đâu.
Những cái khác biệt hồi xưa đã biến mất nhường chỗ cho chỉ còn một cái giống
nhau: cùng là con cái Sao Biển. Giống để mà thương nhau hơn, để mà nương tựa
vào nhau hơn, không cần biết chú Lớn bây giờ là ông nội mà chú nhỏ thì lại là
ông cha! (ông cha nhỏ hơn ông nội, phải không?).
Chú Nhỏ thì… nhỏ thật nhưng cũng có cách "chơi" mấy chú Lớn. Trong bữa
cơm, anh nào cũng được một trái chuối tráng miệng, loại chuối mốc vỏ dai và ngon.
(Qua Mỹ này hễ thấy được một nải là mua ngay, không cần coi giá! Mỗi lần thưởng
thức trái chuối chín mùi, da đã ngã màu đen thì tôi nhớ đến câu danh ngôn của
Nguyễn Trung Cả 63: "Chuối tôi đen vỏ đỏ lòng", ngụ ý người tôi thì xấu
xí nhưng tốt bụng!)
Trở lại nhà cơm chủng viện: một lần, kẻ hèn này lấy nĩa, xẻ một đường dài dọc
theo hông trái chuối rồi nặn ruột ra ăn hết. Sau đó thì lấy cơm nhồi vào, không
quên nhỏ thêm ít giọt nước mắm và để lại trên bàn, ngụy trang cho nằm nghiêng
che cái dấu rọc đi. Ra khỏi nhà cơm thì đứng xớ rớ gần đó để xem có con chim nhạn
nào mắc mồi không. Các chú lớp 6ème ra trước, các chú lớn ra sau, đi ngang bàn,
thấy thằng nhỏ nào tự nhiên bữa nay ăn chay, không ăn chuối. Thế là chú "lớn
đầu" chụp ngay trái chuối. Bóp qua bóp lại thì thấy… hơi mềm và có nước rỉ
ra. Đưa trái chuối lên cao xem thử thì ôi thôi: nước mắm và cơm theo nhau chảy
ra! Chuyện của người lớn đâu dám kể lại cho ai: đành bấm bụng chửi thề thằng nhỏ
nào lếu… LÁO!
Trở về lại việc chú Lớn không biết chú Nhỏ. Riêng kẻ viết này thì có một chú Nhỏ
không thể nào quên được (trong nhiều chú Nhỏ không quên được): đó là chú Trần
Siêu Việt 66. Chả là năm ấy, Vinh đỏ tôi phụ trách nhà bệnh, giúp cho cố
Nédelec Đề (đang còn sống bên Pháp). Hình như cái tối đầu tiên thì phải, nhà bệnh
có thân chủ. Nghe đâu anh chàng lớp 8 này ăn uống lạ bụng sao đó (thức ăn chắc
không được cứng như đá ngoài Dục Mỹ?) nên bị Tào Tháo đuổi cả đêm. Thế là nhập
viện và thế là tôi biết được tên Trần Siêu Việt. Dĩ nhiên nội cái tên cũng đủ đập
chát chúa vào màng nhĩ của người ta rồi, phải không Siêu Việt? Đọc được những
hàng chữ này, trật hay trúng, nhớ rằng ta là chú "lợn" nên không được…
CÃI!
Hỷ nộ ái ố ai cụ dục! Thất tình trên chắc chưa đủ để diễn tả những ngày tháng học,
ăn, chơi, ngủ, nghỉ, nguyện, gẫm... của dân Sao Biển. Ngu cũng có mà khôn cũng
nhiều. Ngơ như bò đội nón cũng có mà "malin" như những con "quỷ
nhỏ" cũng không ít. Khóc cũng có mà cười cũng có. Sau những cái vui cũng
có những lúc buồn rười rượi... vân vân và vân vân. Những ngổn ngang trăm mối đó
như một bức tranh đủ màu sắc đã hun đúc con người Sao Biển. Không thể sống lại
những ngày tháng êm đềm đó được nữa nhưng không thể quên được. Hãy trân trọng để
rồi khi nhìn lại thì cảm tạ và yêu mến. Cảm tạ Mẹ Sao Biển đã bảo bọc và dìu dắt
qua bao năm tháng phong trần. Cảm tạ một quá khứ đầy ắp thơ ngây, vụng dại
nhưng không kém phần kiên nghị, cố gắng. Để rồi yêu thương anh em cùng một Mẹ,
giữ mãi tình tương thân tương trợ lẫn nhau.
Tương lai không biết ra sao nhưng quá khứ đẹp
đẽ kia thì ta luôn NHỚ!
Nguyễn Quang Vinh 61
~~~~~~~~~~~~~~~~~~