Cua thánh Phanxicô Xaviê

Trong lúc băng ngang qua vùng Malacca Ấn Độ Dương để tới Xứ Phù Tang của con cháu Thái Dương Thần Vệ Nữ Nhật Bổn, thì tàu của ngài mắc bão. Thánh Phanxico liền cầu khẩn Chúa xin cho sóng gió lặng yên, rồi ném cây thánh giá ngài vẫn đeo ở trên ngực xuống biển. Thiên Chúa đã nhậm lời ngài cầu xin, cho sóng yên biển lặng trở lại, rồi tàu của ngài vượt thoát qua vùng Ấn độ Dương an toàn.

Một trong những nhân chứng là bạn đồng hành trên chuyến tàu của ngài là ông Faustus Rodriguez, đã kể lại trong nhật ký như sau:

“Lúc tàu vừa cập bến đất liền, thì ông và thánh nhân đang đi bộ ven bờ biển nhắm theo hướng Talem, khoảng nửa trăm bước, thì cả hai đều nhìn thấy có một chú cua biển bé xíu đang đứng yên không nhúc nhích, với hai cái càng đang kẹp chặt lấy cây thánh giá của ngài giơ lên như có ý muốn trả lại cho ngài. Cha Thánh liền quỳ tựa gối xuống cát, nhưng chú cua vẫn không nhúc nhích, cho tới khi Cha Thánh nhận lại cây Thánh Giá, nó mới chịu quay đi rồi lủi dần ra biển biết mất. Cha Thánh hôn lên Thánh Giá liên miên, rồi chấp tay cầu nguyện khoảng nửa giờ, và tôi cũng vui lây rồi cùng cầu nguyện với cha, và cám đội ơn Chúa Giêsu vì phép lạ này, xong rồi chúng tôi đứng lên đi tiếp…”

 

Dân gian Công Giáo Việt nam vùng Cửa Bạng Thanh Hóa cũng có câu chuyện truyền tụng cho nhau về sử tích loài “Cua Thánh Giá Phanxico Xavier”, mà sau này cả hai Linh Mục Sử Gia Công Giáo Bùi Đức Sinh và Linh Mục Nguyễn Thế Thoại có nhắc lại như sau:

“Thánh Phanxicô khi tới Cửa Bạng có đánh rơi cỗ tràng hạt xuống biển, được một con cua lượm lên dâng lại cho ngài. Ngài chúc lành cho con cua, nhờ thế, từ đó, trên mu loại cua này có dấu giống hình thánh giá. “Dân chúng vùng duyên hải Cửa Bạng Thanh Hóa quen gọi thứ cua đó là “Cua Thánh Giá Phanxico Xavier” (Lm. Bùi Đức Sinh, “Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam” trg.28). Truyện này xảy ra vào năm 1549, trong lúc ngài đang trên đường tới Nhật Bổn đề truyền giáo, thì tàu của ngai bị bão rồi trôi dạt vào bờ biển cửa Bạng Thanh Hóa ngày 22 Tháng 7 năm 1549.

Ông M. Gispert cũng thuật lại truyện này trong cuốn Historia de las misiones dominicanas en Tunkin (Avila, 1928), và được chính thánh nhân xác nhận trong lá thư gửi cho người bạn ở Goa. Linh mục Philiphê Bỉnh, trong Truyện nước Nam, Đàng Ngoài chí Đàng Trong, Kẻ Chợ nước Portugal 1822, quả quyết là dịp này, thánh nhân không giảng dạy gì, “vì có ý sang Nhật”.

Vào ngày Thánh Francis Xavier được tôn phong hiển thánh, giáo dân thấy có đặt mẫu ảnh con cua kẹp Thánh Giá ở trên bàn thờ, và ở trên băng rôn nhà thờ cũng có in hình này.
 

Người ta conf truyền tụng rằng: Thánh Phanxico Xavie trên đường đến Đông Phương giảng đạo thì tầu của Ngài gặp cơn bão lớn khi đến Cửa Bạng, Ba Làng, Thanh Hoas. Trong lúc Ngài đang lần chuỗi cầu cho sóng biển yên lặng, một cơn sóng lớn đánh rơi cỗ tràng hạt của Ngài xuống biển. Ngài truyền cho con cá Ốp (cá đù, miền Nam) lấy giúp nhưng nó không nghe lời và bỏ đi.

Liền sau đó, một con ghẹ dùng càng cắp cỗ tràng hạt đem lên trao cho Ngài. Thánh Phanxico Xavie nhận lại cỗ tràng hạt và chúc lành, làm dấu Thánh Giá trên lưng con ghẹ. Từ đó, hình Thánh Giá in đậm trên lưng loài ghẹ này, người Ba Làng gọi loại ghẹ này là “Ghẹ Thánh Giá”.

Lại nói về con cá Ốp không chịu vâng lời Thánh Phanxico Xavie, Thánh nhân đã đặt vào óc nó một hòn sỏi, để dòng dõi nó muôn đời bị nguyền rủa là ngu si. Ngày nay, mỗi khi chúng ta ăn đầu loài cá Ốp này, sẽ thấy trong đầu của nó đúng là có một viên sỏi khá to, gợi nhớ đến giai thoại thú vị này!

Người ta lấy làm lạ! Tại sao loại ghẹ này chúng chỉ sinh sống ở khu vực chung quanh gần biển Ba Làng, mà ở những nơi xa không có loại ghẹ như thế. Khi chúng sinh nở, con cháu của chúng cũng đều mang hình Thánh Giá trên lưng, và chúng chỉ sinh sống gần khu vực biển Ba Làng mà không đi xa ra các vùng khác! Các nhà khảo cứu đến Ba Làng thường cố tìm kiếm vỏ ghẹ Thánh Giá đem về nghiên cứu hoặc làm kỷ niệm.

Hiện nay, trên trần nhà thờ của xứ Ba Làng còn lưu lại hình vẽ về loài Ghẹ Thánh Giá này để con cháu đời sau khắc ghi về một giai thoại độc đáo trong tiến trình lịch sử phát triển đạo Công Giáo tại mảnh đất cha ông.


~~~~~~~~~~~~