Cảm nghĩ về Xuân

Ngày mồng 3 Tết

  1. BÌNH AN trong tâm hồn
    - không vướng mắc nợ nần yêu thương với Thiên Chúa, ...
    - nợ ân tình với tha nhân, ..
    - nợ bổn phận với bản thân và nợ nghĩa vụ với thiên nhiên, ...
    - với gia đình: con cái, cháu chắt, họ hàng hai bên, ...
    - với cộng đồng cựu SB: luôn hài hòa và tôn trọng cũng như quan tâm đến nhau
  2. BẰNG YÊN trong cuộc sống:
    - sức khỏe đầy đủ, không bệnh tật, nếu có thì mau hết hoặc khỏe lại, tìm đúng thầy, đúng thuốc, có đủ tài chính để lo liệu, ...
    - không gặp tai nạn, chính mình và cả nơi người thân.
    - công việc làm ăn ổn định, không bị sa thải, khách hàng đông đảo, ...
    - đặc biệt nếu cha mẹ của của ai còn tại thế thì cầu cho các ngài mạnh khỏe và minh mẫn để các ngài an vui với con cái, cháu chắt cũng như xóm làng.
  3. AN TÂM với niềm hy vọng về tương lai tốt đẹp
    - của chính mình
    - của gia đình
    - của bạn bè
    - xã hội: mau chấm dứt đại dịch Covid-19, kinh tế phát triển, hạ tầng cơ sở phát triển hài hòa
  4. QUAN TÂM HƠN
    - đến những người ít may mắn
    - đến bổn phận gìn giữ môi trường xanh, sạch, đẹp, ...
    - đến đạo đức xã hội: giữ gìn và nâng cao ý thức giao thông công cộng, không xả rác, la hét, nhậu nhẹt, ...
    - bổn phận tham gia vào sinh hoạt giáo xứ nhà
    - các thiên tai: bão, lũ, lụt, sạt lở ...

Xuân và Hy vọng

Xuân và Hy vọng - Mùa Xuân Vĩnh Cửu - Xuân Hiệp Nhất - Người Công Giáo VN ăn Tết ra sao? - Tết về nguồn
Xuân là vui. Xuân là tươi. Xuân là mùa của tình yêu. Xuân là bắt đầu. Xuân là pháo nổ. Xuân là rượu nồng. Xuân là lì-xì. Xuân là báo hiếu. Xuân là đoàn tụ … vân vân và vân vân.

Biết bao lời định nghĩa, ca ngợi, diễn tả Xuân trong các tác phẩm thi ca, văn học của mọi quốc gia, ngôn ngữ. Người ta ca tụng Xuân với tất cà những mỹ từ có trong tự điển. Trong cái phong phú muôn điệu đó, Xuân còn gắn liền với một ước vọng sâu xa của con người, một ước vọng muôn đời bất diệt mà con người của bất cứ thời đại nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, hạnh phúc hay đau khổ, cũng luôn ấp ủ trong lòng. Đó là niềm hy vọng vào một ngày mai tươi sáng, vào một mong chờ nào đó sẽ được thành tựu. Phải, Xuân cũng chính là Hy Vọng hay Hy Vọng cũng là một mùa Xuân, cho dù mùa Xuân đó đang ngủ yên giấc ngủ mùa Đông, chưa thức dậy.

Những tập tục của ngày tết dân tộc đã nói lên được tâm tình hy vọng của người dân Việt vào mùa Xuân.

Ngay từ ngày 23 tháng Chạp, nghi thức đưa ông Táo về trời diễn tả chẳng những tấm lòng chân thật đối với đấng Tạo hóa, nôm na là ông Trời, hay long trọng hơn, Ngọc Hoàng Thượng Đế, mà còn biểu lộ một cách chân quê niềm hy vọng năm mới ông Trời sẽ ban thêm nhiều phước lộc cho nhân gian, sau một năm cố gắng làm trọn bổn phận con người dưới dương gian.

Trong đêm giao thừa, những người già cả thường hay ra ngắm trời, ngắm đất để may ra đoán xem, trong cảnh mù mịt của đêm 30 trừ tịch, một hy vọng về cảnh thời tiết thuận hòa trong 12 tháng tới.

Những ngày đầu Xuân, già trẻ, lớn bé, không phân biệt xa lạ hay thân thuộc, gặp nhau ngoài đường, ai cũng mở đầu bằng câu : "Chúc mừng năm mới", diễn tả mối hy vọng vào một năm sắp tới được như ý nguyện. Các em bé, tuy chưa thấu hiểu ý nghĩa của ngày Nguyên Đán, nhưng cũng đã mang trong lòng một niềm mơ ước được mặc áo đẹp để khoe với bạn bè hàng xóm, túi đấp ắp những phong bì lì xì, những đĩa mứt đủ loại mà chỉ những ngày đó mới được ăn thả cửa, không bị kiểm soát !

Đặc biệt là người ta nói không sai khi diễn tả mùa Xuân là mùa của tình yêu. Tối giao thừa, chùa chiền đã “dập dìu tài tử gia nhân, ngựa xe như nước áo quần như nêm” đưa nhau đi hái lộc đầu Xuân, hy vọng trong năm mới sẽ nên duyên sắt cầm.

Bậc làm cha mẹ cũng lo cầu khấn Đấng ngự trên cao theo tôn giáo mình phù hộ cho năm mới được làm ăn nên nỗi, mọi sự hanh thông, gia đạo an lành, con cái học hành chăm chỉ, cá đầy ghe, lúa đầy sân, … công việc làm ăn suôn sẻ…
Riêng các bậc lão niên thì thụng thịnh trong bộ áo gấm nhung, nhai trầu nhỏn nhoẻn, trang nghiêm trong chiếc ghế bành đỏ chói, hân hoan đón nhận những lời chúc thọ của con cái, cháu chắt để rồi tươi cười trao những phong thư lì xì hồng điều cho mọi người trong nhà. Niềm hy vọng các cụ sống lâu trăm tuổi, được nhìn thấy cháu chắt ba bốn đời quây quần chung quanh được biểu hiện lên khóe mắt, qua những nụ cười sang sảng.

Kính thưa các bạn, đó chính là mùa Xuân, đó chính là hy vọng. Tổ tiên ta đã lấy những ngày đầu của một năm mới để làm ngày hội Tết cũng không ngoài định luật của thiên nhiên khi mà cây cỏ bắt đầu ướm nụ, trẩy nhánh xanh tươi, đem lại cho vạn vật một màu sắc trẻ trung. Những ngày đầu năm không chỉ là những ngày nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm vất vả ngoài đồng áng, trên biển khơi, nơi công sở, nhưng còn là những ngày hoạch định cho tương lai, hy vọng vào ngày mai thảnh thơi hơn trong cuộc sống, vui tươi hơn trong gia đình, thắm thiết hơn trong tình nghĩa bạn bè, hàng xóm, sung túc hơn trong kinh tế và đoàn kết hơn trong cộng đoàn cũng như ngoài xã hội. Từ dân cho đến quan, từ các vị lãnh đạo tinh thần cho đến những kẻ lo việc công, ai ai cũng mang niềm hy vọng vào một mùa Xuân tươi đẹp như nhạc sĩ Phạm Đình Chương diễn tả qua bài Ly Rượu Mừng:

“Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi, người thương gia lợi tức, người công nhân ấm no, thoát ly đời gian lao nghèo khó"

Thân chức quý bạn một mùa Xuân như ý. Mong sao những ấp ủ trong lòng được hình thành, những mong ước cho sự nghiệp thành sự thật, những dự tính cho tương lai được thuận buồm xuôi gió (thuận buồm xuôi nước), thiên nhiên hài hòa, công danh tất đạt, gia đình hạnh phúc, xã hội an vui, đất nước an bình … Vì Xuân là hy vọng và nếu không có hy vọng thì, các bạn thân mến, Xuân cũng là mùa của hy vọng. Hãy hy vọng đi và Xuân sẽ đem đến những gì lòng bạn đang hy vọng.
Xuân và Hy vọng - Mùa Xuân Vĩnh Cửu - Xuân Hiệp Nhất - Người Công Giáo VN ăn Tết ra sao? - Tết về nguồn

Mùa Xuân vĩnh cửu

Riêng đối với người Công giáo, Xuân còn mang một ý nghĩa thiêng liêng. Mùa Xuân đầu tiên của nhân loại đã được khai nguyên từ cõi hỗn mang. Con người đã được Thiên Chúa đặt trong một vườn thượng uyển đầy hoa thơm cỏ lạ với tất cả những gì con người có thể ước mơ. Và Ngài đã ban cho con người quyền làm chủ vườn Xuân diễm lệ đó. Và đã không có mùa Hè nóng cháy, mùa Thu buồn thiu nói chi đến mùa Đông lạnh giá. Mùa Xuân tưởng chừng như vĩnh cửu. Hoa thơm không bao giờ tàn, hương phấn không bao giờ phai, lá xanh không bao giờ vàng úa, ong bướm không ngừng rộn rịp khắp vườn hoa. Bình minh đến, hoàng hôn lại, con người đã không biết đến chữ già nua, hao mòn vì từ ngữ thời gian không hề nghe đến. Đấng Tạo hóa và con người thụ tạo sống trong tình nghĩa thân thiết, không e dè, không sợ hãi.

Thế rồi, vào một buổi chiều, mùa Xuân bỗng ra đi biền biệt cùng với ánh tà dương lặn sau chân mây. Con người đã từ chối món quà mùa Xuân vĩnh cửu đó, và đã giang tay đón mủa Đông vào ngự trị khu vườn địa đàng diễm lệ. Con người đã muốn mình trở nên ngang hàng với Đấng tạo dựng nên mình từ hư không. Và từ ngày định mệnh nghiệt ngã đó, mùa Đông của tội lỗi đã bao trùm vạn vật, khắc nghiệt, lãnh lẽo, giá buốt và bạo tàn. Con người đã phải dứt áo ra đi, mang theo trong lòng niềm hy vọng mỏng manh một ngày nào đó sẽ về lại trong nắng ấm của mảnh vườn Xuân, theo như lời hứa của Thên Chúa khi tuyên án kẻ cám dỗ là rắn độc.
Tháng năm biền biệt … Thời gian xoáy mòn .. Tội lỗi trào dâng … Nhân loại vẫn không ngừng mong mỏi một chút ánh dương lóe lên xua tan bóng tối lạnh lẽ của mùa Đông, cất đi tấm màn tội lỗi che phủ ngập bầu trời hạ giới …
Và ngày đó đã đến. Ánh bình minh cứu độ đã nhú lên, xua tan bóng tối tưởng chừng như đang đông cứng vì thời gian thống trị quá lâu. Thiên Chúa, thương tình con người, đã sai Con Một xuống thế để xua tan bóng tối tội lỗi, đem lửa yêu thương hâm nóng mảnh vườn giá lạnh kia. Đức Giêsu đã đến.

Hãy nghe thi sĩ Hàn Mạc Tử xuất thần trong giây phút ấy :

“Trí rất khớp bởi chưng Xuân hồn hậu
Đã ra đời theo lệnh của Ngôi Hai
Ôi thánh tai, thánh tai và thánh tai!
Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc,
Rất trọng vọng, rất thơm tho, man mác,

Rất phương phi trên hết cả anh hoa.
Xuân ra đời! Điểm ngọc ấm như ngà, ”

(Ra Đời)
Mùa Xuân Khởi Nguyên tuy xa vời trong quá khứ nhưng nay đã rất gần và mang một tên mới: Xuân Cứu Độ, đến xua tan mùa Đông tội lỗi.
Thế là con người đã trở về trong vòng tay Thượng Đế, trong trăm hoa đua nở của hồng ân cứu rỗi. Tiên tri Iasia đã báo trước ngày hội Xuân huy hoàng đó: “Ngày ấy, từ gốc Giessê sẽ đâm ra một chồi và cũng từ chồi ấy sẽ nở lên một bông hoa …” (Isaia 11, 1a). “Ngày ấy, trên núi nầy, Chúa các đạo binh sẽ thết đã cái dân tộc một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Cũng trên núi nầy, Ngài sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân, và tấm khăn liệm trải trên mọi nước … Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt …” (Is 25, 6…).
Phải, con người từ nay sẽ không còn chịu cảnh mùa Đông trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa nữa, vì Mặt Trời Công Chính, Đức Giêsu Kitô, sẽ không bao giờ lặn nữa. Ngài đã sống lại để đem đến cho ta niềm hy vọng vào hạnh phúc muôn đời, vào một mùa Xuân vĩnh cửu, nơi đó chỉ có tiếng hát, chỉ có hoa, chỉ có xanh tươi, chỉ có ấm cúng, chỉ có hồng thắm, chỉ có yêu thương, chỉ có ấm cúng, chỉ có hồng ân, chứ không còn án phạt, chỉ có tiếng cười thay cho nước mắt (xx Do Thái 21, 4). Đó là mùa Xuân Thiên Đàng, mùa Xuân cõi phúc, mùa Xuân muôn đời.

Bạn thân mến, trong ngày Xuân dân tộc, chúc bạn luôn mang niềm hy vọng vào mùa Xuân vĩnh cửu ấy.

Xin kính chúc quý ông bà anh chị,
Một mùa Xuân với vạn tiếng cười tươi.
Chúc bạn trẻ một mùa Xuân như ý,
Sống hiên ngang trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Cũng thương chúc các em lời thủ thỉ:
Ngoan ngoãn luôn và học giỏi không ngơi.
Nguyện phúc lộc Chúa Xuân hằng ngự trị
Trong cõi lòng và khắp cả nơi nơi.
Nguyện phúc lộc Chúa Xuân hằng ngự trị
Khắp không gian cho đến mãi muôn đời.Amen.

(28/11/1995)

Xuân về: Hy vọng vạn điều nên thiện hảo

Tết đến: Nguyện cầu trăm họ được an bình.

 

Năm qua: cảm tạ thiên ân luôn phù hộ

Tết đến: cầu xin Thượng đế mãi độ trì.

 

Đinh Mão mang đi cơn gió lạnh

Canh Thìn góp lại chút tình nồng.

Xuân và Hy vọng - Mùa Xuân Vĩnh Cửu - Xuân Hiệp Nhất - Người Công Giáo VN ăn Tết ra sao? - Tết về nguồn

Xuân Hiệp Nhất

Lại một tân niên đến nữa rồi
Cõi lòng nhung nhớ mãi không thôi.
Ai nơi cố quận mừng Xuân đến,
Kẻ tại quê người xúc tuyết rơi.

Một nhánh mai vàng cho đúng phép
Vài ly rượu nhạt để quên đời.
Ngồi đây mà nhớ ngày xưa ấy,
Biết đến bao giờ Tết thật tươi?
(Canh Ngọ - 1990)

Xuân lại về trên tha hương và nơi cố quận. Người người chúc nhau năm mới nhiều ân lộc của Trời, của thiên nhiên, của lòng người. Tục lệ ăn Tết đã thấm nhuần vào xã hội Việt từ ngàn xưa. Biết bao văn gia, nghệ sĩ, thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ … đã để hồn lai láng qua những tác phẩm nghê thuật nổi tiếng.
Trong cảnh tha hương, Xuân cũng mang đến nhiều nhớ nhung ray rứt, những bịn rịn không muốn rời xa quá khứ như lời thi sĩ Hà Liên Tử:

“Trời nước miên man sầu viễn xứ,
Lòng nghe chua xót mộng trùng dương …
Đêm nay Xuân đến ngoài khơi thẳm,
Sóng nước thêm ngùi kiếp gió sương!

Cũng không thiếu những học giả muốn đi vào tận trong cái nhụy Xuân sâu thẳm để tìm hiểu ý nghĩa của thời gian mở đầu một năm mới để sống trọn, hưởng trọn những nét đẹp tinh túy nhất của mùa Xuân.
Xuân là gì? Thưa Xuân là tất cả, hiện diện từ cõi vũ trụ hoang sơ và mông mênh không bến bờ cho đến tận trong sâu thẳm nhất của tiểu vũ trụ con người. Xuân là khởi đầu của nhịp thở thiên nhiên và cũng là cao điểm, cùng đích của giòng hồi sinh vạn vật, …. Để định nghĩa Xuân có lẽ không bao giờ có đủ viết mực để diễn tả vì mỗi lần Xuân đến là một khác biệt với Xuân xưa và sẽ không giống như Xuân sắp đến.
Trong muôn ngàn hồng tía của chữ Xuân, chỉ xin được chia sẻ một góc cạnh nhỏ của danh từ huyền diệu này: Xuân hiệp nhất.
Trước hết chúng ta cần minh định ý nghĩa của hiệp nhất. Hiệp nhất không nhất thiết phải giống nhau nhưng là chấp nhận khác biệt, đa diện. Hiệp nhất không đòi hỏi toàn bộ các thành phần đều chung một bản sắc: ngôn ngữ, màu da, tôn giáo, học vấn, nghề nghiệp, khả năng … Hiệp nhất là cùng một lòng, một ý, không phân biệt ý thức hệ, môi trường, quá khứ, ngay cả tương lai để cùng chung xây dựng hoặc đạt đến một mục đích hay lý tưởng chung. Một người Việt Nam và một người Mỹ vẫn có thể hiệp nhất với nhau để hùn vốn lập nên một nghiệp vụ hay thương vụ trong một vùng nào đó. Cầu thủ trong các đội bóng gồm đủ mọi màu da nhưng luôn hiệp nhất để cùng nhau góp sức đạt chiến thắng. Hiệp nhất cũng không bắt buộc phải thấy nhau hay cùng sống một thời với nhau vì bản tính hiệp nhất vượt không gian và thời gian. Chúng ta hiệp nhất với những người thân thương ruột thịt ở bên kia bờ đại dương (=cách biệt không gian) trong những ngày Tết để cầu cho ông bà tổ tiên (=cách biệt thời gian).

Xuân hiệp nhất trong gia đình


Trong những ngày Tết, tất cả mọi phần tử của một đại gia đình đều tụ họp về, dù ở xa nơi đâu. Mấy năm gần đây, người Việt tha hương cũng đã cố gắng thu xếp công việc làm ăn hay việc học hành của con cái để về quê ăn Tết. Những người ở lại, dù không đủ khả năng làm một chuyến viễn du nửa quả địa cầu, vẫn không quên hướng lòng về quê cha đất tổ và những người thân thương bằng cách này hay cách khác: gởi thiệp, quà biếu, gọi điện thoại …
Trong những ngày đầu Xuân này, con cái quây quần bên ông bà, cha mẹ để chia sẻ niềm vui ba ngày Tết, đồng thời tỏ lòng tri ân các bậc sinh thành đã vất vả suốt năm và thầm nguyện ước mong những ngày tháng sắp tới sẽ cùng nhau sát cánh để yêu thương nhau hơn, đùm bọc nhau hơn. Trên khuôn mặt rạng rỡ niềm vui, ta đọc thấy tâm tình quảng đại tha thứ: mọi người cùng một lòng, một ý, bỏ hết những tị hiềm cá nhân để cùng nhớ đến cội nguồn chung. Lợi dụng những giây phút đoàn tụ hiếm hoi trong những lúc thanh vắng, khi khách khứa đã ra về, cả gia đình quây quần bên mâm cơm, cùng nhau chia sẻ những lo âu, phiền muộn trong năm cũ.
Tết Việt đúng là Tết hiệp nhất gia đình.

Xuân hiệp nhất trong xã hội

Vì Xuân là ngày lễ tiết của cả một dân tộc, tình cảm lai láng của mùa Xuân cũng tràn ra khắp nơi, từ những vùng núi xa xôi hẻo lánh xuống tận đồng bằng nhộn nhịp, xuyên qua các lũy tre làng mát mẻ, đồng ruộng bao la, trải dài đến các thị thành đô hội. Mọi người, bất luận sang hèn, giàu nghèo, ai cũng cố gắng góp phần vào việc chung như trang hoàng, dọn dẹp sạch sẽ nhưng nơi thờ phụng công cộng: chùa chiền, nhà thờ, thánh thất … Mọi người thấy lòng mình tự nhiên sảng khoái hơn, vui tươi hơn, trên môi luôn nở nụ cười và thấy ai cũng đẹp, cũng xinh, cũng dễ thương, đồng thời cảm thấy mình bao la hơn, quảng đại hơn …
Những ngày cuối năm, nợ nần lo trả. Nợ đây không chỉ là nợ tiền, nợ bạc, mà còn là nợ ân tình. Nếu có mất lòng ai trong năm cũ thì đầu năm, cố gắng đi thăm hỏi để chúc Tết, gọi là đi xin cái lộc hòa khí cho suốt cả năm.

Xuân hiệp nhất trong thiên nhiên

Mùa Xuân hiệp nhất thiên nhiên lại vì Xuân là khởi đầu, tuôn ra cuồn cuộn nguồn sinh lực chung cho mọi loài. Xuân là gì nếu không phải là vạn vật hài hòa, con người như hiệp nhất với vũ trụ, với cây cỏ, hoa lá, với tha nhân, cõi lòng thanh thản, vui tươi, tràn trề sức sống … Xuân cũng là nguồn của mọi hiệp nhất và cũng là chung điểm của mọi hiệp nhất, vì sau một năm, vạn vật như chết lặng trong mùa đông băng giá, nay hồi sinh, trở nên ấm áp, cùng hấp thụ ánh nắng vàng tươi của sự sống mới, một khí ban mai sảng khoái, trong lành …

Mùa Xuân Hiệp Nhất theo Thần học Công giáo Xin trích ra đây định nghĩa về Hiệp Nhất trong Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh (dịch từ bản tiếng Pháp, chữ UNITÉ):

“Vũ trụ trong cái đa dạng tuyệt vời chính là công trình của Thiên Chúa mà ý định được khải lộ qua lệnh truyền ban cho người nam và người nữ trong những ngày đầu tạo dựng: Hãy sinh sản ra nhiều, làm đầy mặt đất và thống trị nó (Khởi Nguyên 1, 28). Qua công trình sáng tạo của Thiên Chúa, ta thấy sự kết hợp giữa đa dạng và hiệp nhất. Để tạo vật đạt đến sự hiệp nhất dưới quyền làm chủ của mình, con người phải tăng số, và để được tăng số, người nam phải thực hiện sự hiệp nhất trong tình yêu với người nữ (Khởi Nguyên 2,23 ss). Nhưng để thành toàn chương trình này, con người phải luôn luôn hiệp nhất với Thiên Chúa, nhìn nhận sự lệ thuộc của mình qua lòng trung thành tín cẩn.
Từ khước sự trung thành này chính là căn tội: con người đã phạm tội đó để được ngang hàng với Thiên Chúa, điều này dẫn đến việc phủ nhận Ngài  là Thiên Chúa độc nhất. Như thế, con người đã tự tách lìa khỏi Đấng là Tình Yêu và là cội nguồn của hiệp nhất. Từ việc chia tách này kéo theo những chia rẽ khác đã phá hủy sự hiệp nhất của hôn nhân bằng việc ly dị và đa thê (KN 4,19; Đệ Nhị Luật 24, 1), sự hiệp nhất giữa anh em (Cain ganh tị và giết Abel, KN 4, 6 …)”

Qua đó, ta thấy rằng sau khi Adong và Evà phạm tội, con người đánh mất tình trạng hiệp nhất với Thiên Chúa (trốn mặt), tha nhân (đổ lỗi cho nhau), vạn vật (đổ mồ hôi mới có ăn) và chính mình (tự cảm thấy xấu hổ vì khỏa thân). Câu chuyện tháp Babel cũng nói lên sự kiện con người đánh mất sự hiệp nhất trong đại gia đình nhân loại vì kiêu căng, tự đại (KN 11,9).
Sau này tiên tri Isaia vẽ ra viễn cảnh của thời Thiên Sai tức là thời của Đấng Cứu Thế hay là mùa Xuân Cứu Độ: con người hiệp nhất lại với vũ trụ, với tạo vật qua hình ảnh “sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sống chung hòa bình; con trẻ sẽ chăn dắt các thú ấy. Bò con và gấu sẽ ăn chung một máng; các con của chúng sẽ nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô, trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn lục. Các thú dữ ấy sẽ không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta” (Is 11,8)
Rồi Đức Kitô đến để mang lại hiệp nhất: “Xin cho chúng nên một như Cha và Con là một” (Gioan 17,22). Cùng với biến cố Hiện Xuống (mùa Xuân của Giáo hội), như một sửa sai cho sự kiện tháp Babel, ngôn ngữ không còn là chướng ngại vật chia rẽ con người vì tất cả đều hiệp nhất trong cùng một Thần Khí và một đức Tin (CVTĐ 2,5-13).

Kết luận:

Hiệp nhất là đặc tính của Xuân dân tộc. Hiệp nhất là sự thật đang diễn ra trong Giáo hội. Hiệp nhất là viễn ảnh của ngày cánh chung. Hiệp nhất là mục đích của Chúa Kitô khi Ngài đến trần gian. Hiệp nhất là sứ mạng của Giáo hội cho đến ngày viên mãn. Sau cùng hiệp nhất cũng chính là đặc tính của mùa Xuân vĩnh cửu nơi thiên quốc ngàn đời, nơi đó không cần đức Tin hay đức Cậy (hy vọng), nhưng chỉ còn đức mến là nguyên nhân và kết quả của hiệp nhất (xx. 1 Cor 13,8-13).

Xuân mang đến nhiều ân huệ của Trời, của thiên nhiên, của vạn vật, của người với người. Và Xuân cũng mang đến tâm tình hiệp nhất. Với Xuân hàng rào ngăn cách phải hạ xuống để con người gần lại với nhau hơn. Vì thế, trong tâm tình nô nức sửa soạn tết Nguyên Đán, mỗi một người trong chúng ta hãy cùng một lòng một ý, không phân biệt tuổi tác, chức phận, khả năng cũng như nghề nghiệp. Hãy gạt ra một bên những bất đồng chính kiến, những dị biệt tư tưởng, sở thích để cùng hiệp nhất yêu thương nhau, đoàn kết xây dựng cộng đồng mình đang sống. Có như thế, chúng ta mới có thể hưởng được một mùa Xuân đầy đủ ý nghĩa vì dù dưới bất cứ nhãn quan nào hay thời đại nào, Xuân cũng là hiệp nhất và nơi đâu có hiệp nhất, ở đó có mùa Xuân, cho dù nhiều khi Xuân đến muộn.

New Jersey, Xuân Đinh Sửu 1997 (Đặc san Xuân 1997 – CĐ CG VN Metuchen)

Xuân và Hy vọng - Mùa Xuân Vĩnh Cửu - Xuân Hiệp Nhất - Người Công Giáo VN ăn Tết ra sao? - Tết về nguồn

Người Công Giáo VN ăn Tết ra sao?

Nhân dịp Xuân về, người viết xin được trình bày vài nét chấm phá về cách thức người Công giáo Việt Nam mừng Tết Nguyên Đán. Mỗi một tôn giáo tại Việt Nam đều giữ những tục lệ cổ truyền chính yếu trong ngày Tết dân tộc như đón giao thừa, đốt pháo (ngày xưa), mừng tuổi, lì xì, hái,lộc, nầu bánh chưng, làm mứt, … Những tục lệ đó không thể tách rời khỏi tinh thần của ba ngày Tết. Người Công giáo đã khéo léo đem niềm tin của mình hòa hợp với những giá trị cổ truyền đặc trưng của dân tộc, nhất là trong những ngày đầu Xuân.
Trước hết, chiều 30 Tết, hay nếu được thì sau 10 giờ tối, cho dù bận bịu đến đâu, mọi người đều cùng nhau đến nhà thờ để dâng Thánh lễ Tạ Ơn Cuối Năm (lễ Giao Thừa). Sau đó thì ai về nhà nấy để đón giao thừa trong gia đình. Có nhà còn giữ tục lệ mọi người quây quần đọc kinh ngay lúc 12 giờ đêm mặc cho ngoài đường pháo đã bắt đầu nổ vang.
Sáng mồng Một Tết tất cả mọi người đều đi dự Thánh Lễ Đầu Năm, cầu cho năm mới được thái hòa. Nhà thờ đã được trang hoàng với một nhánh hay cả một cây mai thật, nở đầy hoa vàng (Những vùng phía bắc Việt Nam thì chưng hoa đào). Một lư hương với hai ngọn nến đỏ cũng được đặt ngay trước bàn thờ dâng lễ. Bộ lư này nay đã phổ thông trong hầu hết các thánh đường Công giáo cho các thánh lễ ngày Chúa Nhật trong năm. Có nhà thờ thì dùng hương bột, có nhà thờ thì dùng một bó nhang tiểu hoặc ba cây nhang đại. Thánh lễ bắt đầu bằng nghi thức niệm hương. Các bài thánh ca về Xuân đã được tập dượt hàng tháng trước Tết nay vang lên rộn ràng rung chuyển cả ngôi thánh đường. Chuông trống cũng góp phần long trọng trong các ngày lễ Tết. Kết thúc Thánh lễ là những bài chúc Tết cho mọi người.
Có những xứ đạo còn giữ tập tục Mừng Tuổi Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Hài Đồng Giêsu trong ngày mồng Một. Sau này, khoảng năm 1977, có thêm thông lệ Hái Lộc Lời Chúa: mỗi gia đình được nhận một câu Lời Chúa trích trong Kinh Thánh để đem về và chưng trang trọng một nơi nào đó trong nhà, để cả gia đình sống tinh thần Lời Chúa đã được ban cho suốt cả năm. Đã không thiếu trường hợp nhiều cá nhân hay cả gia đình thay đổi cách sống một cách tích cực sau khi nhận lãnh câu Kinh Thánh nầy.
Ngày mồng Hai Tết, mọi người tiếp tục đến nhà thờ dâng lễ cầu nguyện cho những người quá cố. Tùy theo điều kiện cho phép, có xứ còn tổ chức Thánh Lễ tại nghĩa địa riêng của giáo xứ. Thật là cảm động khi người sống và người quá vãng gần gũi nhau trong khung cảnh trang nghiêm, giữa tiếng chiêng trống dặt dìu và khói trầm hương nghi ngút, đất trời như hòa hợp cùng nhau, kẻ quá cố như hiện diện để nhắc nhớ người còn sống hãy sống đúng tinh thần bác ái của đạo và phí khách hiên ngang của tổ tiên.
Ngày mồng Ba Tết, người Công giáo lại đến nhà thờ để cùng dâng Thánh Lễ cầu cho mùa màng được thuận tiện, công việc làm ăn được phát đạt trong suốt cả năm. Các vị lãnh đạo tinh thần cũng thường lấy ngày này để đi mừng tuổi những vị lãnh đạo trong các tôn giáo bạn hầu giữ vững tình hiếu hòa và đoàn kết trong địa phương.
Trước Tết, có giáo xứ còn tổ chức lạc quyên những món quà Tết để mang đến ủy lạo những gia đình túng thiếu do giáo dân và các nhà hảo tâm địa phương đóng góp.
Riêng về ba ngày lễ Đầu Năm thì người Công Giáo cử hành để kính Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm cốt yếu của đức Tin Công Giáo): Đức Chúa Cha (mồng Một), Đức Chúa Con (mồng Hai) và Đức Chúa Thánh Thần (mồng Ba).
Dĩ nhiên người Công Giáo vẫn không quên tập tục mừng tuổi dân tộc theo thứ tự: Mồng Một Tết Cha (bên nội), mồng Hai Tết Mẹ (bên ngoại), mồng Ba Tết Thầy.
Tinh thần sống đức Tin Công Giáo ngay giữa lòng dân tộc (và ngược lại, hòa nhập tinh thần dân tộc vào đời sống đạo), người Công giáo Việt Nam đã gầy dựng được gia sản Thánh Ca phụng vụ phong phú ca tụng Thiên Chúa là Chúa Xuân và hồng ân mùa Xuân Ngài ban xuống cũng như tình yêu gia đình của cha mẹ, con cái. Nhạc Xuân Công giáo tuy là âm nhạc tôn giáo nhưng luôn đậm nét dân tộc tính và không kém phần nghệ thuật. Tiếc là không thể trình bày bằng âm thanh sống động. Chỉ xin trích ra đây một vài viên ngọc trong vườn hoa đầy hương đó:

“Ba trăm sáu mươi lăm ngày đã lướt trôi,
Mình Cha là bền vững ngàn năm luôn mới …”

(Nguyễn Lý, Xuân Nguyện)

“Xuân đã về trên quê hương và khắp ruộng đồng.
Xuân đã về, xuân hy vọng, mùa xuân vinh quang.
Xin Chúa Trời cho quê hương Việt Nam thái bình,
Để mọi người cùng hiệp nhất trong niềm tin yêu.”
(Nguyên Kha, Xuân Hy Vọng)

Thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng đã xuất thần trong những bài thơ của ông ca ngợi mùa Xuân Công giáo:

“Trời hôm nay bình an như nguyệt bạch,
Đường trăng xa, ánh sáng tuyệt vời bay …
Đây là hương quý trọng thắm trong mây,
Ngời phép lạ của đức tin kiều diễm:
Câu tán tạ không khen long cả phiếm,
Bút xuân thu mùa nhạc đến vừa khi
Khắp mười phương điềm lạ trổ hoài nghi:
Cây bằng gấm và lòng sông toàn ngọc.”
(Đêm Xuân Cầu Nguyện)

Một vài nét chấm phá về ba ngày Xuân trong truyền thống Công Giáo Việt Nam


Người viết thành tâm kính chúc quý độc giả một năm mới khang an và tràn đầy ơn lộc của Chúa Xuân:

Nguyện phúc lộc Chúa Xuân hằng ngự trị
Trong cõi lòng và khắp cả nơi nơi.
Nguyện phúc lộc Chúa Xuân hằng ngự trị
Khắp không gian cho đến mãi muôn đời.
(Xuân Bính Tý 1996 – đăng trên New York Thời Báo 1996)

Xuân và Hy vọng - Mùa Xuân Vĩnh Cửu - Xuân Hiệp Nhất - Người Công Giáo VN ăn Tết ra sao? - Tết về nguồn

Tết về nguồn

Lại một tân niên đến nữa rồi
Cõi lòng nhung nhớ mãi không thôi.
Ai nơi cố quận mừng Xuân đến,
Kẻ tại quê người xúc tuyết rơi.

Một nhánh mai vàng cho đúng phép
Vài ly rượu nhạt để quên đời.
Ngồi đây mà nhớ ngày xưa ấy,
Biết đến bao giờ Tết thật tươi?

Hàng năm, khi tuyết bắt đầu nặng hạt, phủ kín đường đi, mây xám giăng đầy ngoài ngõ, lòng tôi cũng cảm thấy nao nao: lại thêm một cái Tết tha hương. Nhà văn Mường Giang, gốc Phan Thiết, cũng đã ngậm ngùi thốt lên:

Xuân về trên đất khách
Ta ngồi đón mông lung
Hắt hiu đêm trừ tịch
Một mình uống rượu suông
Để rồi: Soi gương chợt thấy lạ
Sau một đêm đợi chờ!

Những câu thơ ấy thật là thấm thía cho mỗi một người chúng ta đang ngồi đây, trong cảnh tha hương. Trong đĩa VCD Xuân Nhớ Mẹ, nhạc phẩm Xuân Tha Hương, Xuân Lạc Xứ, ca sĩ Chế Linh đã ảo não oán than:

Xuân phương này: Xuân về mấy ai vui … Xuân phương này: Xuân lạc xứ lưu vong …

Kính thưa ông bà và anh chị em,

Xuân đã đến, không đến với những cánh én bay ngập trời. Xuân cũng không đến với những cành mai tươi màu rực rỡ. Xuân lại càng không đến với cảnh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” (Nguyễn Du). Nhưng Xuân Canh Thìn 2000 này lại đến với chúng ta trong cảnh tha hương, lạc xứ, lưu vong. Văn nghệ, sắm Tết như ở các vùng trời nắng ấm Cali, Houston, New Orleans không đủ bù đắp cái thiếu vắng một không khí Tết trên quê hương, nói chi đến vùng Đông Bắc lạnh giá này. Họa chăng chỉ có một hai đêm quây quần bên nồi bánh tét cộng đoàn may ra còn có chút hơi ấm trong cái lạnh chết người của mùa đông xứ lạ.
Xuân không đến ồn ào, nhưng lại đến âm thầm ray rứt. Tuy nhiên, không phải vì thế mà ta quên Xuân vì Xuân là Xuân muôn đời, vì Tết là Tết dân tộc, Tết cha ông, Tết quê hương. Anh chị em thân mến, có thể nói được rằng: bao lâu còn người Việt, bấy lâu còn Tết Việt.
Hãy trân trọng và làm sao để cho cái Tết, dù là một cái Tết nghìn trùng xa cách đất Mẹ thân thương, có một ý nghĩa ngày Tết thật sự. Nói tóm lại, năm nay, Tết con Rồng 2000 phải là một cái Tết về nguồn.
Nhìn về dĩ vãng trên quê hương yêu dấu, không khí Tết đã tràn lan khắp không gian ngay từ đầu tháng Chạp. Ngay từ thời Hồng Bàng, buổi bình minh lập quốc, người Việt dù chất phác, đơn sơ, cũng đã cảm thấy sinh tình trước sự hồi sinh của vạn vật sau những ngày mùa đông lạnh lẽo rét mướt trên đồng bằng miền Bắc ngày xưa. Từ đó đã nẩy sinh ra ngày Tết như một phong cách đón chào thiên nhiên đổi mới và cũng là một dịp vui chơi sau bao ngày làm lụng vất vả trên ruộng cũng như dưới nước.
Những ngày Tết trước hết là để cảm tạ Thượng Đế đã gìn giữ an toàn trong suốt năm qua và nguyện cầu Đấng Tối Cao luôn phù hộ trong năm mới. Sau nữa Tết cũng là một dịp để nhớ đến ông bà tổ tiên đã quá vãng và nguyện cho các bậc trưởng thượng trong gia đình còn sống được luôn trường thọ. Đó là ý nghĩa báo hiếu của những ngày Tết. Ba ngày Xuân cũng là dịp đoàn tụ gia đình: cha mẹ, con cái, cháu chắt xum họp đầy nhà, dù ở xa cũng lo thu xếp để gọi là về quê ăn Tết.
Mọi nợ nần, ân nghĩa cũng như tiền bạc, đều được cố gắng thanh toán trước đêm giao thừa. Ai có lỗi phải gì cũng cố gắng làm hòa với nhau.
Thêm vào đó, Tết cũng là một cơ hội cho tình yêu nẩy nở, là dịp cho trai gái tỏ tình, mong một ngày nào đó sẽ nên duyên cầm sắt. Vân vân và vân vân …
Nếu nói cho trọn vẹn và đầy đủ ý nghĩa ngày Tết dân tộc thì chắc chắn sẽ không bao giờ hết. Chỉ xin gợi lên một vài chấm phá để gọi là về nguồn và rồi trả lời cho câu hỏi:
Trong cảnh tha hương, chúng ta ăn Tết như thế nào để gọi là cho đúng với tinh thần dân tộc?
Kính thưa anh chị em,
Tết là tri ân:
Hãy biết ơn Thiên Chúa đã thương gìn giữ bảo bọc ta trong suốt năm qua.
Tết là hy vọng:

Xuân về, hy vọng vạn điều nên thiện hảo;
Tết đến, nguyện cầu trăm họ được an bình

Lại nữa, sống trong cảnh xa đất Mẹ thân yêu, còn có gì quý hơn tình đồng hương? Hãy trân trọng với nhau, hãy tự hào vì nhau, hãy tương trợ lẫn nhau vì cùng là con một Mẹ Việt Nam. Xa quê hương nhưng không quên nguồn cội.
Tết cũng phải là một dịp vui tươi.. Hãy cất qua một bên những sầu muộn để vui, vì quà tặng thời gian mà Chúa Xuân ban cho. Có giận ai, có bất bình với ai, hãy nở nụ cười thân ái, khoan dung, không giả tạo nhưng đầy ắp tình người.
Tết là báo hiếu: hãy nhớ đến ông bà tổ tiên và các bậc sinh thành để thầm hứa sẽ mãi mãi sống xứng đáng là con, là cháu của các vị, tràn đầy đức Tin và lòng dũng cảm, hăng say trong cuộc sống, hy sinh không mong đền đáp …
Trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu cũng bận rộn như một người Việt trong ba ngày Tết. Nhưng Ngài  không bận rộn vì phải lo đi mừng tuổi hay đi chùa chiền, nhà thờ để cúng vái hay lễ lạy, nhưng Ngài bận rộn vì phải lo đi rao giảng Tin Mừng và chữa lành các bệnh tật. Trong năm mới này, chúng ta cũng hãy tự cho mình thêm một chút bận rộn để giúp những anh chị em đồng hương đang cần đến thời giờ của mình, làm những việc cần làm để góp sức xây dựng cộng đoàn mỗi ngày một thăng tiến, dành thêm một vài phút đồng hồ để cầu nguyện cùng Thiên Chúa, bận rộn hơn nữa để chăm sóc gia đình, con cái …

Kính thưa anh chị em,
Để hưởng một cái Tết hải ngoại, thiết tưởng không dễ vì thiếu cái không khí thật sự của cỏ non, nắng tươi, hoa xuân, lời chúc tuổi, … Nhưng nghĩ cho sâu thì Tết hải ngoại cũng không khó vì không có những chuyện nhức đầu:

“Tết nhất làm chi? Ai bày! Tết nhất làm chi? Lo quần, lo áo, lo đi chạy tiền!” (Ban nhạc AVT)

Mà chỉ cần vài cú điện thoại tình nghĩa, cùng chung nồi bánh tét và văn nghệ cộng đoàn bỏ túi cùng vài chuyện linh tinh khác. Vì thế, đã là không khó thì hãy cố gắng ăn một cái Tết tối thiểu là Tết Việt, Tết về nguồn: tràn đầy tình người, tình đồng bào, tình cộng đoàn, tình gia đình, và dĩ nhiên, một cái Tết tràn đầy hồng ân của Thiên Chúa trong Năm Thánh 2000 nầy.
Mong sao:

Đinh Mão mang đi cơn gió lạnh
Canh Thìn góp lại chút tình nồng.

(Giảng lễ mồng Hai Tết – Rockaway, NJ – 6/2/2000

~~~~~~~~~~~~~~~