Lai rai 1 ...
-
3 lần được gọi: O My God!
Sau 3 năm làm việc truyền giáo tại giáo phận Victoria, Texas trong cương vị cha phó giáo xứ Our Lady of the Gulf, Port Lavaca, ngụ tại nhà thờ họ lẻ Saint Joseph, Port O'Connor, tôi về lại New Jersey đầu năm 2007. Bữa nọ, từ nhà xứ Saint Joseph, West Orange, tôi đi đến bệnh viện Saint Barnabas Medical Center, là nơi cách đó 3 năm tôi làm tuyên úy (1997-2004). Từ cửa vào nhà thương cho đến gần phòng bệnh nhân, tôi nghe được 3 lần: "O my God!" từ hai y tá và một người quét dọn trong nhà thương chỉ vì họ ... thấy tôi xuất hiện!
Trong bài giảng ngày hôm sau, tôi nói với giáo dân: "Ngày hôm qua tôi được phong chức "Chúa" ba lần!"
-
Người Hoa tại Thánh Địa Israel
Một linh mục dòng Ngôi Lời (SVD) tỉnh dòng Việt Nam là em họ của tôi đã nói:
"Người Tàu trên thế giới đông như nấm!" Đúng thật! Chỗ nào có người ở là có tiệm ăn Tàu. Dầu cho người gốc Hoa không mấy thích kiểu gọi này, nhưng đành phải dùng ở đây vì năm trong mạch văn ngôn ngữ.
Năm 1993 tôi hành hương Thánh Địa với một nhóm người giáo dân tại Our Lady of Sorrows, South Orange, NJ. Đến bờ hồ Gennesaret (hồ Galilêa) nơi Chúa Giêsu ngày xưa giảng, tôi thấy có một tiệm ăn Tàu. Vào ăn và hỏi thăm thì biết được chủ tiệm là người Thái gốc Tàu! Bái phục!
Bây giờ là năm 2019, nếu bạn ở Nha Trang thì ôi thôi, "nị hảo hảo!" đầy trời1.

Bãi Dương thơ mộng, sạch sẽ thì chỉ thấy toàn là Tàu và Nga!
Có người than thở: "Chỗ nào có cỏ dại mọc thì chỗ đó có Tàu! Chấm hết!
-
Học trò cũ
Cũng trong tâm tình thầy trò nói trên, xin kể 2 trường hợp "thầy - trò" sau:
1. Năm 1984, tôi được chuyển từ trại tỵ nạn Palawan lên trại chuyển tiếp Bataan, Morong, Philippines, dành cho những người chuẩn bị định cư tại Hoa Kỳ. Ở trên đó 6 tháng, sinh hoạt của tôi vẫn bình thường như bao người khác: học, ôn tập tiếng Anh, thi hành đúng công tác hằng ngày của trại, ...
Đến ngày rời trại, tôi lên khu tập trung những công dân tương lai của Mỹ quốc, uống một chai Coca, ngồi tán chuyện với những người đưa tiễn, ... Bỗng nhiên có một thanh niên dáng khắc khổ, đến vòng tay và cúi đầu thưa: "Thưa thầy, chắc thầy không nhận ra em."
Nghỉ hơi một chút, anh ấy nói tiếp: "Em là Lê Minh D.., học trò Chính Tâm, Phan Thiết năm 1972. Ngày xưa em hay bị thầy cho ăn roi mây. Nghĩ lại ngày xưa em ghét thầy lắm. Sau bao nhiêu năm lăn lộn với đời, hôm nay được đến đất nước tự do này, em cảm ơn Chúa. Em đã thấy thầy ngay khi thầy đặt chân đến trại nhưng không dám đến chào vì ngày xưa em đã làm phiền lòng thầy rất nhiều . Những trận roi thầy ban cho em đã giúp em trưởng thành hơn. Hôm nay, biết thầy sắp ra đi, em lấy hết can đảm đến chào và tiễn thầy đi bằng yên. Em luôn nhớ ơn thầy dạy dỗ!" (Xem trong Hồi Ký).
Từ đó về sau, tôi không còn gặp lại em nữa.
2. 40 năm sau gặp lại học trò cũ tại trung học Nghĩa Yên, Cam Ranh.
Tháng 4 năm 2013 tôi về Việt Nam thăm mẹ già như hằng năm vẫn đi. Trong một buổi gặp mấy người bạn, tôi chợt nhớ đến một số học sinh tại trường Trung Học Nghĩa Yên, Cam Ranh. Trường này do cha xứ Hòa Nghĩa (Khánh Hòa - Quảng Nghĩa) là Võ Ngọc Nhã lập nên. Học sinh từ các vùng lân cận, đặc biệt là giáo xứ Hòa Yên (Khánh Hòa - Phú Yên) bên cạnh đến học nên rất đông.
Trong bữa cơm, anh Bạch Hồng Hải, tức nhạc sĩ Bạch Quỳnh, người gốc Hòa Nghĩa, đã cho tôi số điện thoại của một em trong lớp 10 mà tôi dạy tiếng Pháp năm 1973. Tôi gọi điện thoại cho em và thế là ... bắt đầu một chuỗi những cuộc tái ngộ với các học trò thân thương cách đây 40 năm.
Đặc biệt là khi gặp các em, anh trưởng lớp có nói là đã chưa bao giờ nhắc đến tên thầy. Vừa đây, một số em, trong khi gặp nhau, đã có nhắc đến tên tôi. Ba ngày sau thì tôi liên lạc được với các em.
Thần giao cách cảm? Tùy ý bạn nghĩ sao cũng được.
- Trùng hợp, tình cờ hay Chúa an bài?
Khoảng từ năm 1997 tôi cảm nghiệm được một vài sự việc xảy ra đúng như ý mình muốn hay mong đợi. Không biết đó có phải là Chúa an bài hay chỉ là trùng hợp hoặc tình cờ.
1. Ba tôi mất vào lúc 1 giờ 30 chiều ngày 16/5/2000 (giờ miền Đông Hoa Kỳ). Chỉ sau đó 10 phút thì cha Nguyễn Chí Linh gọi từ bên Pháp qua và hỏi thăm bệnh tình của người. Dĩ nhiên tôi lấy làm an ủi vì tình bạn và cũng vì có dịp báo tin để xin cầu nguyện.
Tối hôm đó, tôi bay về Việt Nam qua hãng Singapore Airlines. Trên máy bay, tôi nghĩ đến một bạn khác cùng lớp là cha Trần Khánh Thành đã về Việt Nam và nghe đâu đang ở Bảo Lộc. Tôi không có số điện thọai của ngài. Tôi tự nghĩ đành chịu vậy thôi!
Sau khi máy bay hạ cánh, tôi liền mua vé đi Nha Trang ngay chiều hôm đó. Trong khi chờ đợi đến giờ bay, tôi đi lang thang trong phi trường. Một cách vô tình, tôi đi đến chỗ người ta đứng đón người nhà từ nước ngoài về. Trời nóng như thiêu nhưng ai cũng cố gắng chen vào để tìm cho ra người thân của mình đang ngơ ngác nhìn ngang nhìn ngửa như nai lạc đàn! Bỗng nhiên tôi thấy ... cha Thành đứng trước mặt tôi!
- Làm gì ở đây?
- À, đi đón một tân linh mục từ Đài Loan về.
- Ông già mất rồi. Để ông cha đó cho người khác lo. Theo mình về Nha Trang đi!
- Không được. Mấy người kia toàn là nữ tu từ Bảo Lộc xuống, chả biết đường biết xá gì hết. Mình phải dẫn họ và cha mới về. Thôi để giỗ đầu sang năm mình sẽ xuống.
Thế là khỏi phải lo tìm cách báo tin!
2. Năm 2001, có người nhờ tôi chuyển tiền cho cha Vị, một linh mục thuộc giáo phận Kon Tum. Vị này đang ở chung với cha Bảy, bạn cùng lớp của tôi ngày xưa. Hơn 25 năm, tôi chưa có dịp lại cha Bảy. Về đến Sài Gòn, tôi tính chương trình là lên ga mua vé xe lửa về Nha Trang trước, rồi theo địa chỉ đi tìm nhà cha Bảy. Tôi và người con thiêng liêng là Ngà đều mù tịt với cái địa chỉ trên. Hai cha con đành tự nhủ: tới đâu hay tới đó.
Đến nhà ga tôi vào sắp hàng mua vé. Đang đứng nhìn lên thời khóa biểu các chuyến đi, tôi nghe như có tiếng quen quen. Quay người lại phía sau, tôi thấy ... cha Bảy đang đứng cách tôi 3 người!
Hóa ra là ngài lên mua vé giùm cho một người thân vào thăm. Thế là tôi khỏi phải hít bụi Sài Gòn khi đi tìm nhà để đưa tiền!
3. Khoảng năm 2000, tôi mua một cái cưa xoi (jigsaw) là một loại cưa để cưa gỗ làm chữ hay một hình thù nào đó. Anh Khiết bạn tôi, tối hôm đó đến nhà chơi, nói:
- Cha phải mua một cái bàn với kích thước hợp với cái cưa nầy rồi để nó lên trên cho dễ xử dụng.
Tối hôm sau anh lại đến và thấy cái cưa nằm trên cái bàn rồi. Anh hỏi:
- Cha mua cái bàn rồi hả?
- Đâu có! Sáng nay cha tuyên úy ở trước nhà gọi tôi sang và bảo là muốn vất một vài thứ trong nhà rồi hỏi tôi có muốn lấy cái gì thì lấy. Tôi lấy cái bàn này!
- Thật đúng là loại bàn mà con nói với cha tôi hôm qua. Thật kỳ lạ! Hình như cha muốn gì thì ... được nấy!
4. Ngày xưa, khi giúp xứ tại Chợ Mới, Nha Trang, tôi có học sơ qua nghề may. Nhiều khi cần sửa quần áo hay may cái gì đó thì lại thiếu cái máy. Thế là tôi quyết định lái xe đi mua máy may. Gần đến Livingston Mall, tôi thấy bên đường người ta để một cái máy may cho ai lấy thì lấy. Thế là tôi quay xe lại và ẳm cái máy về nhà!
5. Năm 1999, tôi lái chiếc xe Cadillac mua cách đó 2 năm với giá 1400 dollars! Một bữa nọ, tôi lái xe đến nhà người bạn chơi. Ra về xe không nổ. May mà anh bạn có chiếc xe cũ không xài nên tôi mượn đỡ, chờ ngày đi mua xe mới.
Thời gian đó người ta quảng cáo xe rẻ trước mùa Memorial Day. Một người bạn tên là Khiết dẫn tôi lên Morristown, cách chỗ tôi ở 20 phút, để mua một chiếc Toyota Corolla giá quảng cáo là 11 ngàn. Sau khi xong xuôi giá cả thì đến lúc ký giấy tờ. Người bán bấm máy kiểm tra credit (điểm tín dụng) của tôi. Ông ta báo với tôi rằng credit của tôi zero! Hóa ra là tôi bị mất credit khi trả lại chiếc xe Mitsubishi Galant trước thời hạn (repossession) để đi Phi Luật Tân giúp trại tỵ nạn năm 1990. Ở bên Mỹ này, mất credit kéo dài lâu lắm. Thế là tôi tiu nghỉu và thất vọng vì dịp may mua xe rẻ bị mất. Trước khi về, bỗng nhiên, tôi quay lại và hỏi ông ấy:
- Cho tôi gặp người lo về tài chánh đi.
Một người trong phòng tài chánh đi ra. Tôi dụi mắt vì không tin. Anh chàng này tên là Dean, trước đây làm trong hãng bán xe DiFeo tại Jersey City và cũng là người bán chiếc xe Mitsubishi ấy cho tôi cách đó 12 năm, tại một nơi cách xa Morristown gần 1 tiếng lái xe.
Tôi ríu rít hỏi thăm anh ta về gia cảnh là những điều chúng tôi nói với nhau khi mua xe lúc đó. Anh ta mừng lắm. Sau khi nghe tôi giải thích lý do mất credit, anh ta phán một câu xanh rờn:
- Để đó con lo cho!
20 phút sau, tôi lái chiếc xe mới về trước cặp mắt kinh ngạc và khó tin của anh Khiết và anh Khổng Trung cùng đi chung. Cũng cảm ơn Chúa là trí nhớ mình còn tốt!
6. Khi còn ở trại tỵ nạn Palawan năm 1983-1984 tôi có quen thân với cha tuyên úy không quân của phi trường Puerto Princesa City là cha Florman Cabauatan. Cha mang cấp bậc đại úy. Như nhiều người Phi Luật Tân, cha chơi bóng rổ rất hay. Qua các soeurs làm trong cơ quan CADP (Center of Assistance to the Displaced Persons) do các Sisters of Charity đảm trách, cha thường đến trại tỵ nạn dâng lễ hoặc dẫn chúng tôi, là các nhân viên của cơ quan, ra ngoài trại chơi bóng rổ. Tình bạn giữa tôi và cha rất khăng khít. Sau này tôi cố gắng tìm địa chỉ của cha nhưng không được vì cha là tuyên úy nên hay được điều đi khắp nơi.
Một ngày 26 năm sau, khi ăn tiệc tại giáo xứ Our Lady of Mercy, Jersey City, tôi ngồi gần một linh mục Phi Luật Tân. Tôi chưa gặp linh mục này bao giờ. Qua câu chuyện tôi biết ngài du học bên Ý và từ đó qua chơi một tháng. Tôi tự giới thiệu và nói thêm là có ở Phi Luật Tân 2 lần: 1983-1984 và 1990-1991. Tôi cũng kể là có quen thân một cha tuyên úy không quân tại Palawan và lấy làm tiếc là không có cách gì tìm được ngài. Cha khách bèn nói:
- Có cách chứ!
Ngạc nhiên, tôi hỏi lại:
- Làm sao được? Cha có cách hả?
- Dĩ nhiên là được, vì tôi có bà con với cha ấy!
Hai tháng sau tôi nhận được email của cha Florman Cabauatan từ Phi gởi qua!
Tái bút: Một lần nọ, tình cờ (lại tình cờ!) vào một trang web của Giáo hội Philippines, tôi đọc được tin cha Florman qua đời năm 2014. RIP!

7. Bệnh viện gọi đi xức dầu.
Ngày 8 và 9 tháng 7 năm 2013, nhà xứ tổ chức 2 ngày họp về những dự tính tương lai cho giáo xứ, cho công việc. Tuy người hướng dẫn là một chuyên viên về phương pháp sắp đặt chương trình làm việc, đề ra hướng đi của một cơ quan hay tổ chức, nhưng đối với tôi thì chả thú vị gì! Tôi thầm khấn có được một cơ hội nào đó để ra khỏi phòng họp.
Sang ngày thứ hai, lúc 10 giờ 30 sáng, điện thoại reo. Bệnh viện Overlook, Summit, NJ, gọi đi xức dầu. Dĩ nhiên là tôi "phải" đi. Khi về lại thì đã đến giờ ăn trưa.
Trong phiên họp buổi chiều, lúc sắp đến lượt tôi trình bày những dự tính của mình cho mọi người thì điện thoại lại reo. Trung tâm điều dưỡng Runnels gọi xin xức dầu cho 2 người sắp chết! Tôi lại "phải" đi vì cha tuyên úy nhà ấy đi nghỉ. Khi về lại thì cuộc họp gần xong. Thoát nạn trình bày!
Hai cuộc gọi trên chỉ là bình thường nếu tôi không nói thêm: 6 tháng nay, kể từ lúc tôi về xứ Little Flower, Berkeley Heights nầy, tôi chưa bao giờ được gọi đi xức dầu!
- Công bằng với mình, bác ái đối với kẻ khác
"Ai cho mượn: lo trả, ai mượn: tìm cách cho."
Năm 1974, tôi học Triết 2 tại Đại Chủng Viện Hòa Bình, Hòa Khánh, Đà Nẵng. Ngôi trường này là phân khoa ba năm triết của Đại Chủng Viện Xuân Bích, Huế. Cha Giám Đốc là cha Tĩnh. Ngài ăn nói sang sảng, tóc cắt ngắn, rất vui tính và gần gũi với sinh viên. Ngài kể chuyện về một cái máy chụp hình.
Trên đường đi du học về nước, ngài gặp một người bạn trên đường bắt đầu du học. Thấy bạn cần cái máy, ngài cho mượn. Mấy năm sau ngài cảm thấy áy náy trong lòng vì không biết người ấy ở đâu để chỉ nói một câu: "Tôi cho anh cái máy ảnh đó" dù người đó vẫn còn giữ hay đã làm thất lạc cái máy. Chủ ý của ngài là không để người bạn ấy nằm trong tình trạng tội lỗi vì không hoàn trả vật mình đang dùng cho khổ chủ.
Thật là một ý tưởng đầy bác ái đối với kẻ khác.
- Tiếp tập 2
~~~~~~~