Trong những thập niên 60 và 70 đã xuất hiện những chữ như Nguiễn, í kiến, ích kỉ, ... trong một số sách báo tại Việt Nam. Người đọc có vẻ ngỡ ngàng, không biết tác giả viết sai hay là ấn công sắp lộn chữ, nhưng sau đó thì chợt hiểu là một phong trào viết chữ mới vừa xuất hiện: phong trào muốn đổi chữ Y (I dài, I gờ-rét, I grec) thành chữ I ngắn. Không thấy ý kiến về phía ủng hộ cho lắm nhưng những người chống thì thường dùng chữ Thúy để diễu là nếu viết theo kiểu mới thì Thúy, một tên phái nữ phổ thông, sẽ thành ...Thúi!
Cách đây không lâu có một bạn sinh viên hỏi chúng tôi về việc phân biệt chữ I và
Y trong tiếng Việt, chúng tôi thấy cần nêu lên vấn đề này một lần nữa để gọi là
góp một chút thiển ý.
1. Cách đánh dấu của tiếng Việt
Trước hết, xin được minh định về cách dùng dấu trong tiếng Việt.
Tiếng Việt là một ngôn ngữ độc vần (monosyllabic), nghĩa là toàn bộ một chữ chỉ
phát ra thành một âm thôi, không như Pháp ngữ, Anh ngữ hay đa số các ngôn ngữ
khác. Vì thế người Việt ta gặp khó khăn lúc đầu khi phát âm các ngôn ngữ đó.
Nhưng nếu xét kỹ ta sẽ thấy có những chữ tiếng Việt đa âm nếu chúng ta dùng cách
chiết tự theo phát âm (chiết âm): chia một chữ ra làm hai phần và đọc nhanh hai
phần đó. Sau đây là thí dụ:
Nguyễn = Nguy-yễn (không phải là nguỹ-ên)
Hưởng = Hư-ưởng (không phải là hử-ương)
Quý = Qu-uý (không phải là qú-y)
Nhiều = Nhi-iều (không phải là nhì-êu)
Thúy = Thu-í (không phải là thú-y)
Ngoại = ngo-ại (không phải là ngọ-ai)
Khúc khuỷu = khu-úc khui-ỉu
Xin chú ý: Nếu theo cách chiết âm này thì những chữ: Thúy, Thùy, Ngụy,
Thụy, ... đều phải được đánh dấu trên chữ Y chứ không phải chữ U, như chữ QUÝ
chẳng hạn, nhưng có lẽ vì lý do tiện lợi hoặc thẩm mỹ chăng nên các dấu nằm trên
chữ U thay vì chữ Y, nhất là dấu nặng (Thụy)
Chúng ta cũng có thể rút ra hai thuyết sau:
a/ Chữ Y (I dài, I grec) của tiếng Việt thật ra là một âm diễn tả hai chữ I (I
ngắn), chữ I đầu thuộc về âm trước, chữ I thuộc phần sau hay đứng một mình. Thí
dụ:
Nguyn = Ngu-in
Lũy = lu-ỹ
Nguy = ngu-i
Lúy túy = Lu-í tu-í
* Xin nhắc lại, Y ( I dài) là do hai chữ I ngắn gộp lại chứ không phải là một chữ I đọc dài ra như chữ "ee" của Anh ngữ.
b/ Chữ Y là một âm đặc biệt, nếu đi sau một nguyên âm thì nó sẽ biến nguyên âm đó thành một âm khác.
Nai đọc khác với Nay.
Dui đọc khác với Duy
2. Chữ gốc ngoại ngữ:
Có những chữ ta lấy tiếng ngoại quốc nên phải giữ chữ I ngắn trong khi đó những
tiếng đồng âm (Việt) khác phải giữ Y (I dài) hoặc ngược lại. Thí dụ:
Kí do chữ Kilogramme (Pháp) khác với chữ Ký (ký tên)
Li do chữ Millimètre, milligramme, ... khác với chữ Ly (cái ly đựng nước), ...
Ny-lông do chữ Nylon khác với chữ ni (mũ ni của các vị sư đội)
3. Những chữ I và Y đồng âm dị nghĩa:
Cũng có những tiếng đồng âm I và Y nhưng khác nghĩa nhau. Thí dụ:
Chữ tí ti (nhỏ) khác với tý (con giáp thứ nhất).
Ly (cái ly đựng nước) khác với li biệt
4. Những tiếng không có trong Việt Ngữ:
Cũng có những chữ kết thúc bằng Y không có trong Việt ngữ. Thí dụ:
khỷ phải viết là khỉ
Nghỷ, nghỹ phải viết là nghỉ, nghĩ
nýn phải viết là nín.
mý mắt phải viết là mí mắt
sỹ quan, sỷ diện phải viết là sĩ quan, sỉ diện
5. Những chữ viết theo thói quen:
Mĩ miều (đẹp) và Mỹ (nước Hoa Kỳ, mỹ nhân, cũng có nghĩa là đẹp)
Ý do chữ Italia (nước Ý)
Hy Lạp không viết là Hi Lạp
6. Những chữ viết I hay Y tuỳ tiện:
Và sau cùng là những chữ, cho đến bây giờ, muốn viết I hay Y cũng được (thường
là ở cuối):
công ty hay công ti
tỉ hay tỷ (1 ngàn triệu)
song hỉ hay song hỷ
bệnh kiết lỵ hay bệnh kiết lị
Kết luận:
Sau đây là vài ý kiến thô thiển của chúng tôi về vấn đề phải viết I hay Y trong tiếng Việt. Nếu xét về phương diện thói quen thì hầu như ngôn ngữ nào cũng những chữ viết sai gốc hay cố ý sữa chữa lại . Hơn nữa vì ngôn ngữ đầu tiên phát sinh từ nhân gian nên cho dù có sai gốc hay không hợp lý cũng không có ai nghĩ đến chuyện sửa lại những chữ đó cho đúng. Ví dụ trong tiếng Anh:
- Margarine (bơ thực vật) thì lại đọc như là Margerine của tiếng Pháp
- Mayor (thị trưởng) thì lại đọc như chữ Maire (của tiếng Pháp)
- Dysfunction (hoạt động bất thường) chứ không viết disfunction như đa số các
chữ khác (disorder, disfavor, ...) dù dys- hay dis- cũng do gốc Hy Lạp ra.
Những cái "vô lý" , "nghịch thường" hay "sai lầm" đó cũng góp phần nói lên sự phong phú, đa dạng và nhiều khi lịch sử tính của một ngôn ngữ. Nó đã được xử dụng một cách phổ quát trong quần chúng hay trên lãnh vực văn học nên muốn sửa thì phải có thời gian, phải có chứng minh sự sai lầm và phải được mọi người đồng ý (ít là đa số). Lại nữa cho đến bây giờ vẫn chưa có một cơ quan hay thẩm quyền nào đủ tư cách để đưa ra một hình thức thay đổi nhất trí cho mọi người đang xử dụng tiếng Việt.
Nếu có một số người viết "Nguiễn" thay vì "Nguyễn" như ta thường dùng thì sợ
rằng sẽ làm cho giới trẻ sau này bị lúng túng và lẫn lộn, không biết chữ nào
đúng, chữ nào sai. Lại càng không thể bỏ chữ Y được vì nó đã thuộc về mẫu tự của
tiếng ta, nhất là khi dùng sau một nguyên âm (lúy, thuý, nguyên, hãy, ...).
Cũng không thể lấy lý do là nói như thế nào thì viết như vậy. Người miền Nam đọc câu này: "Hôm qua qua với bạn bè đi chơi "thành "Hôm gua gua dới bạng bè đi chơi" nhưng vẫn viết như câu trước. Người miền Trung đọc câu: "Tôi xúc cát" thành "Tui xục cạt" nhưng vẫn viết: "Tôi xúc cát ", ngoại trừ khi các văn sĩ, thi sĩ muốn diễn tả đúng giọng người trong truyện. Hoặc là một số tỉnh ngoài Bắc đọc "nàm việc" nhưng vẫn viết "làm việc".
Vì thế xin được phép đề nghị nếu chữ nào không chắc chắn thì xin ... mở tự điển, cho dù thông thái đến đâu và cũng đừng tùy tiện thay đổi chữ viết của cả một quốc gia (hay dân tộc) khi chưa có một thẩm quyền nào đề xướng.
Phụ chú: Lạm bàn về chữ D và Đ
Nhân tiện cũng xin đừng nghĩ đến chuyện bỏ chữ D (phát âm là iê) để thay thế chữ
D (của các ngoại ngữ khác). Chữ nầy thật gây nhiều rắc rối cho người ngoại quốc
vì D của họ đọc như Đ của mình, D của mình đọc như Z hay I, Y trước một nguyên
âm (Dung: IUNG, ZUNG, YUNG). Nếu tra cứu rộng hơn thì không thiếu gì ngoại ngữ
có những mẫu tự đọc khác nhau từ tiếng này qua tiếng khác: V của Đức đọc là F; W
đọc là V; V của Tây Ban Nha lại đọc hơi giống chữ B, vv... .
Vì thế chúng tôi mạo muội yêu cầu xin cứ để nguyên hai chữ D và Đ như đã thường dùng hầu cho tiếng Việt vẫn giữ được nét đặc thù của nó. Nếu muốn đổi cho d đọc thì xin chỉ đổi tên riêng của mình chứ không đổi toàn bộ chữ Việt như trường hợp viết "zõng zạc" thay vì "dõng dạc"!
Vài lời thô thiển xin được trình làng. Mong được chỉ giáo và mở rộng đường dư luận.
Nguyễn Quang Vinh (New Jersey, ngày 4 tháng 10 năm 1995)
Hiệu đính lại ngày 5/12/2022 tại Nha Trang
PS: Riêng về "hiện tượng" ông được gọi là (so-called) PTS bùi Hiền thì không
đáng bàn ...