Chuyện 5 chiếc quan tài
Năm 1990, tôi tình nguyện từ Mỹ qua trại Tị Nạn Người Việt ở thành phố Puerto Princesa City, đảo Palawan, Philippines để giúp một số người bị xếp loại là "tị nạn kinh tế", sẽ bị trả hay tự nguyện về lại Việt Nam. Chỉ có những người "tị nạn chính trị" mới được các quốc gia thứ 3 (đệ tam quốc gia) làm hồ sơ bảo lãnh.
Lo sợ bị trả về, có 1 người phụ nữ mang theo 1 cháu gái khoảng 12 tuổi, con người chị ruột, đã tìm cách cho cháu được công nhận tư cách tị nạn chính trị. Chị đã được người nhà từ Việt Nam gửi qua tấm ảnh "5 chiếc quan tài" nằm song song trong nhà. Sau đó chị trình cho viên chức phỏng vấn người Phi rằng đứa bé này là con của người chị đã bị lũ quét chết hết cách đó một thời gian ngắn, Cô bé đang trọ nhà chị và học trên tỉnh nên thoát nạn. Chị đành phải đem cháu đi.
Kết quả là hai dì cháu "đậu" phỏng vấn. Dĩ nhiên là cô bé đã được dặn là phải khóc nhiều khi phỏng vấn.
Sau khi đến Hoa Kỳ, tôi được chị ấy tiết lộ: tấm hình đó không phải của gia đình cô bé ...
Khi còn ở VN em không biết gì hết ... và sau này chỉ khi đến Hoa Kỳ em mới biết sự thật: Gia đình, gồm 5 người còn ở VN, ... chưa chết!!! Tội cho em khóc hết nước mắt suốt thời gian ở trại!
Ai phải, ai trái, ai ngay, ai sai? ... Không bình luận, chỉ biết xót thương cho những người còn kẹt lại trong trại vì không đủ tiêu chuẩn tị nạn.
Phải đợi đến 16 năm sau (1989-2005) những người này (không chịu về VN) đã được luật sư Trịnh Hội can thiệp để được Hoa Kỳ chấp thuận. Trong 16 năm chờ đợi gần như vô vọng họ đã bỏ trại để lên Manila (1 giờ bay - 24 giờ đi tàu thủy) để sống chui sống nhủi, tìm kế sinh nhai giữa những cuộc ruồng bố của cảnh sát Phi.
Có người, sau khi qua Mỹ, nói rằng: "Lấy vợ trong trại, vợ về VN, chồng lên Manila: 21 năm sau (có thẻ xanh sau 5 năm) về VN mới tận mắt nhìn thấy con, tận tay ẳm bồng con!!!"
Và cuối cùng trại tị nạn Palawan (PFAC - Philippine First Asylium Center) bị đóng cửa, di tích cuối cùng của hành trình đi tìm tự do ...
~~~~~~~~~~~~~~~~