Chúa nhật tuần VI / C

8 mối phúc thật

Vào năm 1918, tại Mỹ đã xảy ra một trận dịch cúm tàn sát bao nhiêu sinh mạng giống như dịch cúm covid bây giờ.
Các bác sĩ và y tá tối tăm mặt mũi vì công việc, tình cảnh trong các dưỡng đường, bệnh viện thật là thảm hại. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng ấy, các thành viên của một hội thượng lưu ở New York quyết đem sức lực ra giúp đồng bào. Họ giàu có và đã lớn tuổi, có thể chỉ ký một ngân phiếu để giúp bệnh nhân là xong. Nhưng không, họ không những đã bỏ tiền ra mà còn tình nguyện khoác áo blouse trắng tới bệnh viện cọ sàn, săn sóc tắm rửa cho các bệnh nhân, vỗ về những gia đình đau khổ mà không ngại mệt nhọc, cũng không sợ lây bệnh cho chính bản thân.

Tin Mừng hôm nay trình bày bốn lời chúc phúc cho những kẻ nghèo đói, khóc than, bị oán ghét, khai trừ, sỉ vả, kèm theo bốn lời nguyền rủa những người giàu có, no nê, vui cười, được mọi người ca tụng. Đó là những phản dề đối chiếu giữa người nghèo và kẻ giàu, giữa người đói khát và kẻ no đầy. Đó là hai giai cấp trong xã hội luôn đối chọi nhau mà Tin Mừng muốn mô tả để người tín hữu Kitô chọn lựa.

Một điều rất hiển nhiên là Tin Mừng hướng chúng ta về người xấu số bất hạnh và cho họ niềm hy vọng hạnh phúc ở tương lai. Tin Mừng không hề lên án người giàu chỉ vì họ có nhiều tiền của, nhưng chỉ lên án những ai giàu có mà không biết sử dụng của cải cho đúng, thậm chí còn dùng của cải như chướng ngại vật chặn đứng lối vào Nước Trời. Giàu có mà hành xử như các thành viên của hội thượng lưu ở New York trong câu chuyện còn được Chúa chúc phúc. Họ được hưởng hạnh phúc đời này lẫn đời sau. Bí quyết của họ rất đơn giản, đó chính là biết chia sẻ và trao ban.

Chúa Giêsu không lên án của cải nói chung, nhưng lên án cách sử dụng của cải. Tiền bạc tự nó không có giá trị đạo đức. Nó có thể dùng vào việc tốt cũng như việc xấu. Tự bản chất, của cải không là những gì xấu xa, và tự bản chất, nghèo khó cũng không phải là nhân đức.

Chỉ “khốn cho người giàu có” khi họ không phân định rạch ròi giữa phương tiện và cùng đích, giữa điều kiện vật chất và định mệnh con người. Đời sống của họ bị nhận chìm bởi các con sóng là các phương tiện vật chất như áo quần, xe cộ, nhà cửa và các tiện nghi trong cuộc sống. Đời sống của họ bị đè bẹp bởi các hành trang vật chất chỉ giúp họ duy trì và phát huy sự sống trong cuộc lữ hành ngắn ngủi của một đời người. Họ quên rằng con người sống nhờ phương tiện nhưng lại sống cho cùng đích. Và cùng đích của con người là “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Thảm kịch của cuộc sống chính là lo lắng tìm kiếm phương tiện, và để cho cùng đích tan biến trong phương tiện.

Chỉ “Khốn cho người giàu có” khi họ không ý thức rằng họ lệ thuộc rất nhiều vào người khác. Họ mang trong mình căn bệnh vị kỷ, nên không còn thấy rằng của cải cá nhân là do của cải tập thể đem lại, họ cũng không nhận ra rằng họ đã thừa hưởng một kho tàng lý tưởng và các tiến bộ mà người đang sống cũng như kẻ đã chết góp phần tạo nên. Họ nghĩ rằng mình có thể sống sung túc trong thế giới nhỏ bé chật hẹp mà họ là trọng tâm. Họ là một con người sống theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan.

Dù có ý thức hay không, mỗi người chúng ta là một con nợ đối với người quen biết cũng như người chưa quen biết. Vậy chúng ta phải trả món nợ ấy ở đâu? Câu trả lời thật đơn giản: Cho kẻ đói ăn, cho người trần truồng áo mặc, chăm sóc người đau yếu. Nói như Martin Luttler King: “Chúng ta có thể cất giữ số thực phẩm dư thừa của chúng ta trong các bao tử trống rỗng của hàng triệu con cái Thiên Chúa, khi mỗi tối họ phải lên giường nằm ngủ mà không có gì để ăn”.

Dưới con mắt Chúa, làm giầu một cách lương thiện không phải là tội, tiêu dùng của cải do mình làm ra không hề là một điều xấu. Nhưng điềm nhiên hưởng thụ và nhắm mắt làm ngơ trước nỗi khổ của tha nhân lại là một tội ác. Thiên Chúa đã dựng nên trái tim con người để rung lên những nhịp đập yêu thương, và tặng ban cho con người đôi tay để mở ra ban phát. Kẻ nào khoá lại trái tim và nắm chặt đôi tay là đi ngược với bản tính con người mà Chúa đã tạo dựng. Vì thế, ai sống co cụm trong vỏ ốc ích kỷ của mình, kẻ ấy có thể rất giàu về tiền của nhưng lại thật nghèo trong nhân tính.

Có nhiều người lẫn lộn giữa hạnh phúc và cái bóng của hạnh phúc; họ mải mê chạy theo cái bóng này, để rồi mau chóng thất vọng khi nó vỡ tan như bong bóng xà phòng.

Hạnh phúc đích thực không nằm nơi của cải, hay trong những gì mình đã chiếm hữu, nhưng chính là sự mãn nguyện với những gì mình đã trao ban. Thánh Phaolô viết: “Cho đi vui sướng hơn nhận lãnh”.

Hạnh phúc đích thực không nằm trong lời ca tụng hay trong chức tước quyền uy, nhưng chính là sự an bình vui tươi của một lương tâm thanh thản với Chúa, với anh em, và với chính mình, như lời Thánh Phaolô: “Lương tâm rôi không trách cứ tôi điều gì”.

Một tác giả có viết: “Trong hạnh phúc có mầm đau khổ. Quả thật, hạnh phúc bao giờ cũng trộn lẫn với mồ hôi và nước mắt. Có hạnh phúc đích thực nào mà không phải trả giá bằng đau khổ? Có ai sống trên đời này mà được hạnh phúc trọn vẹn đâu?

Điều này giải thích tại sao những gì chúng ta coi là bất hạnh, thì Chúa Giêsu lại cho là hạnh phúc.

Chỉ khi nào chúng ta cảm nghiệm được cái nghịch lý của Lời Chúa thì chúng ta mới có được hạnh phúc đích thực.

Chỉ khi nào chúng ta dám nghèo vì thanh liêm, đói vì ngay thẳng, khóc vì đại nghĩa, bị ghét vì nói thật, bi sỉ vả vì danh Chúa, chúng ta mới sống trọn vẹn các mối phúc thật.

Chỉ khi nào chúng ta thấy mình giàu lên khi chịu nghèo, no thoả lúc đói khát, vui cười khi lệ rơi, và hân hoan lúc bách hại, chúng ta mới thực sự nếm cảm niềm hạnh phúc của Nước Trời. Như chính thánh Phanxicô khó khăn đã lựa chọn, chọn nghèo làm người chị cả thân yêu của mình.

Lạy Chúa, hạnh phúc đích thực chính là có một lương tâm an bình, một con tim biết chia sẻ và một khối óc luôn cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương. Xin cho chúng con luôn đắm chìm trong hạnh phúc được làm con cái Chúa. Amen.

~~~~~~~~~~~~