Suy Tôn Thánh Giá
(1) - Lịch Sử
Đầu tiên, khi tìm được di tích Thánh Giá vào năm 326, bà Helena cho xây cất hai đền thờ, một tại núi Calvario và một tại Mộ Thánh ở Thánh Địa. Lễ khánh thành và cung hiến hai đền thờ này được tổ chức trọng thể tại Giêrusalem vào hai ngày 13 và 14 tháng 9 để mừng Đền Thờ Calvario và Mộ Thánh. Năm 335, ngày 14 tháng 9 cũng mừng kính ngày tìm được Thánh Giá thực vào 14 tháng 9 năm 326. Vì gỗ Thánh Giá thực rất quý, nên được phân ra nhiều phần rất nhỏ, chia cho các Giáo Hội tại mỗi nơi. Thành Constantinopoli được phần Gỗ Thánh lớn hơn và phần còn lại được lưu niệm tại Giêrusalem. Từ đó, ở Giêrusalem lễ tìm được Thánh Giá mừng kính trọng thể vào ngày 14 tháng 9.
Thập giá không còn là biểu tượng của sự thất bại. Đó là dấu hiệu hoàn hảo nhất cho thấy Chúa chúng ta đã chiến thắng thế lực của tội lỗi và sự chết. Thập giá của Chúa Kitô là tin mừng về lòng thương xót và sự hiện diện của Thiên Chúa với tất cả những ai đau khổ.
Lễ Suy tôn Thánh giá hàng năm của chúng ta là cơ hội để chúng ta nhớ lại cách Thiên Chúa có thể sử dụng những hành động tồi tệ nhất và đen tối nhất của con người để hoàn thành ý muốn thần linh của Ngài. Đây cũng là một lời nhắc nhở quan trọng hàng năm về cung cách chúng ta được mời gọi để đón nhận thập giá. "Nếu ai muốn đi sau Ta thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày và hãy theo Ta!" (Luca 9:23)
Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Thầy đi đâu, các môn đồ sẽ đi theo đó. Chúa cũng nói với chúng ta rằng chúng ta phải chuẩn bị để chấp nhận thập giá trong cuộc sống của chính mình nếu chúng ta muốn theo Ngài. Thập giá đối với Kitô hữu là sự đau khổ mà chúng ta sẵn sàng chấp nhận như một hệ quả của quyết định theo Chúa Giêsu. Ngày lễ hàng năm này nhắc nhở chúng ta rằng thập giá luôn dẫn đến sự Phục sinh, và vì vậy ngay cả đau khổ cũng có thể là một phương tiện cần thiết và thiêng liêng đáng mong ước để cứu rỗi và thánh hóa chúng ta. Vì lý do này, Chúa Giêsu tuyên bố những người chịu đau khổ vì sự công chính là những người “được chúc phúc”. “Phúc cho các ngươi khi người ta sỉ mạ các ngươi, và bắt bớ, đặt điều nói xấu đủ điều về các ngươi một cách lếu láo vì cớ Ta. Hãy vui sướng và hân hoan, vì phần thưởng các ngươi lớn thật ở trên trời :vì cũng như thế, chúng đã bắt bớ các tiên tri, tiền bối của các ngươi”. (Mátthêu 5: 11-13)
Cần có con mắt đức tin để vui vẻ và sẵn sàng đón nhận những đau khổ vì đức tin. Cần phải cầu nguyện đúng đắn và chín chắn để nhìn ra được lời mời gọi tuyệt vời đến tình bạn thân thiết với Chúa Giêsu trong những giây phút đau khổ vì đức tin.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con kính thờ Thánh Giá Chúa, và chúng con ngợi khen Thánh Giá Chúa, vì nhờ Thánh Giá Chúa, Chúa đã cứu chuộc thế giới. Xin cho chúng con đừng thờ ơ với tình trạng mà nhân loại đang phải trải qua do đại dịch COVID-19 gây ra, biết khám phá lại ý nghĩa mà thập giá mang lại cho chúng con và tìm cách hiện thực hóa ý nghĩa của thập giá, đó là trả lại công lý cho các loại thập giá mà nhiều anh chị em chúng con đang phải gánh chịu ngày hôm nay ở nhiều nơi trên thế giới. Amen.
(2)
Ở đời người ta vẫn thường nói: Tu là cõi phúc – tình là giây oan. Thực ra , cuộc đời nào cũng có thập giá. Thập giá như là lẽ sống của cuộc đời. Có thập giá thoáng qua và cũng có những thập giá liên lỉ dài lâu. Có thập giá nhẹ nhàng mà mình tự nguyện vác lấy nhưng cũng có thập giá nặng nề mà mình phải gánh giùm tha nhân. Có thập giá khiến ta mệt mỏi nhưng cũng có thập giá khiến ta vui mừng.
Xem ra thập giá là tất yếu trong cuộc sống. Con người không thể trốn chạy thập giá. Và dường như chúng ta vẫn khuyên bảo nhau hãy can đảm đón nhận vì là ý Chúa, vì là điều tốt cho mình và cho tha nhân.
Tôi đã nghe người ta an ủi một người mẹ có đứa con duy nhất đang bị ung thư, với lời lẽ hết sức phó thác: “Thiên Chúa yêu thương chị lắm cho nên Ngài mới gởi Thánh Gía để thử thách chị đấy!”
Hoặc gặp một người bạn đang bị thất nghiệp, nợ nần chồng chất, vợ bệnh, con đau. Chúng ta thường khích lệ họ: “Người càng giỏi thì Chúa lại càng gởi khó khăn để mình vượt qua. Thế nên đừng sợ!”
Khuyên người thì dễ nhưng bản thân khi phải đối diện với thập giá lại không dễ dàng. Vì thập giá là đau thương, là tủi hận, nên đâu dễ đón nhận. Đón nhận thập giá là chấp nhận từ khước sự an nhàn, hạnh phúc cho bản thân để sống cho Chúa và đồng loại. Đón nhận thập giá là đón nhận sự ô nhục, và khinh khi của đồng loại.
Có lẽ chúng ta vẫn nhớ hình ảnh Thầy Chúa Giêsu vác thập giá lên đỉnh đồi Calve và chấp nhận chết treo trên cây thập giá. Quả thật Thập giá là “một ô nhục đối với người Do thái và ; là điều điên rồ đối với dân ngoại giáo”(1Cr 1,23).
Thế mà Chúa Giêsu lại mời gọi chúng ta vác lấy cái ô nhục đó ! Vì đối với Thiên Chúa đó là dấu chỉ của sự chiến thắng “vì qua đau khổ mới tiến tới vinh quang”. Và thập giá đối với Chúa còn có giá trị cứu độ vì “khi nào Ta bị giương cao lên, Ta sẽ kéo mọi người lên”.
Có lẽ chúng ta cũng thắc mắc: “Thiên Chúa gửi thập giá hay thử thách đến cho tôi để làm gì vậy?”. Điều này chúng ta cũng phải hỏi: “Tại sao người ta cứ phải trải qua những kỳ thi, những cuộc trắc nghiệm, khảo hạch,… rồi mới lãnh được bằng tốt nghiệp trung học, đại học, mới được công nhận là bác sĩ, giáo sư, luật sư?”
Như vậy, thập giá là nhịp cầu để cho ta tiến lên và chắc chắn sẽ trưởng thành hơn khi vượt qua thập giá. Hơn nữa, thập giá còn cho ta được thông phần vào sự thương khó của Chúa để cứu độ bản thân và anh em. Khi chúng ta đón nhận thập giá trong đời là dịp để chúng ta dâng đau khổ hầu xin Chúa tha thứ những hình phạt cho bản thân chúng ta. Và dâng hy sinh đau khổ để xin Chúa nguôi cơn thịnh nộ giáng xuống địa cầu vì tội lỗi nhân loại. Như vậy, chúng ta đón nhận thập giá là vì Chúa và vì nhân loại. Và phải có cái nhìn như vậy chúng ta mới có thể vui vẻ lạc quan ngay cả khi khốn khó tư bề.
Chúng ta thử nghĩ nếu chúng ta không vì Chúa thì làm sao chúng ta yêu mến người bên cạnh, người đồng hành luôn gây gỗ với chúng ta, có khi còn luôn thù ghét chúng ta?
Chúng ta thử nghĩ nếu chúng ta không vì Chúa thì làm sao chúng ta hy sinh chu toàn bổn phận hằng ngày để đem lại hạnh phúc cho gia đình?
Chúng ta thử nghĩ nếu chúng ta không vì Chúa thì làm sao chúng ta có thể đón nhận biết bao nghịch cảnh trái ngang đến với chúng ta như: bệnh tật, hiểu lầm, già yếu, ganh ghét, chê bai. . .
Mỗi người đều có thánh giá phải mang. Nhưng Chúa sẽ không bao giờ trao thánh giá vượt khả năng của chúng ta. Thế nên, chúng ta hãy tin tưởng đón nhận mọi khó khăn vì Chúa, nhất là hãy biết cậy dựa vào ơn Chúa để vượt qua.
Ước gì mỗi người chúng ta luôn tìm ra ý Chúa trong cuộc sống và đón nhận theo thánh ý cho dù có vì đó mà phải vác thập giá hằng ngày theo chân Chúa. Amen.
Thánh Giá Chúa gửi thì ta vác, nhưng đừng trở thành thánh giá bắt kẻ khác phải vác, nghĩa là đừng là gánh nặng cho kẻ khác, cũng như đừng bắt kẻ khác hy sinh vì mình
(3)
Bất cứ nơi đâu, nhìn tòa nhà cao hay tháp chuông cao có cây thánh giá trên đỉnh hay trên nóc thì ai ai cũng nhận biết đó là Nguyện Đường của Dòng Tu hay của Nhà Thờ. Thập giá chính là biểu tượng để nhận ra đó là nơi thờ phượng Chúa.
Nghĩ cũng lạ ! Đạo gì kỳ ! Đạo gì mà lại đi tôn thờ sự khổ đau, tôn thờ cây thập giá ? Xin thưa là không ! Chẳng ai đi tôn thờ dụng cụ để hành hình một tên tử tội. Người Kitô hữu không thờ cây thập giá mà tôn thờ người chịu treo trên cây thập giá.
Thập giá chính là nguồn ơn cứu độ cho nhân loại. Nơi đó, treo Đấng Cứu Độ trần gian để rồi ai tin và tôn thờ Đấng chịu treo trên cây gỗ giá đó thì sẽ được cứu độ.
Còn nhớ trong sách Dân Số đã viết : Trong những ngày ấy, dân chúng đi đường và mệt nhọc, nên nản chí, họ kêu trách Chúa và Môsê rằng: “Tại sao các người dẫn chúng tôi ra khỏi Ai-cập, cho chúng tôi chết trong hoang địa. Không bánh ăn, không nước uống, chúng tôi đã ngán thức ăn nhàm chán này”. Bởi đó Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Họ chạy đến cùng Môsê và thưa rằng: “Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi nói những lời phản nghịch Chúa và phản nghịch ông. Xin ông cầu nguyện để Chúa cho chúng tôi khỏi rắn cắn”.
Môsê cầu nguyện cho dân. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống”. Môsê đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu, và kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được chữa lành.
Hình ảnh con rắn đồng trong sa mạc ở Cựu Ước chỉ cứu sống con người và rồi sau đó con người cũng sẽ chết. “Con Rắn Đồng” trong trong Tân Ước cứu sống con người không chỉ về thân xác mà là cho con người được hưởng ơn cứu độ. Và chính “Con Rắn Đồng” trong Tân Ước đã nhiều lần quả quyết : "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (Mt 16, 24).
Chúa Giêsu không nói suông, chính Ngài đã hạ mình và chấp nhận hay nói cách khác là vui lòng chịu chết như Thánh Phaolô đã diễn tả : Đức Giêsu Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Pl 2,8); và Ngài đã chết theo như lời Thánh Kinh (x. 1Cr 15,3).
Đức Giê-su Ki-tô đã đi Đường Thập Giá và Người mời gọi mỗi người chúng ta cũng hãy đi trên Đường đó. Thánh ký Mác-cô cho chúng ta biết rằng trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, khi căn tính của Người là ‘Đấng Ki-tô’ được biểu lộ, Người nói với các môn đệ về Đường Thập Giá của mình: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại” (Mc 8,31). Đồng thời, Người mời gọi họ: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?” (Mc 8,34-36).
Đức Giê-su Ki-tô đang mời gọi mỗi người chúng ta hãy đi Đường Thập Giá với Người. Đường Thập Giá là đường hi sinh, quên mình, từ bỏ, hy vọng, tín thác. Đường Thập Giá luôn luôn là đường chân thật hay nói đúng hơn, Đường Thập Giá là ‘Đường Duy Nhất Chân Thật’. Đức Giê-su Ki-tô đã đi Đường Thập Giá để đến với thế giới thụ tạo, đến với chúng ta. Do đó, chúng ta đừng chọn đường theo ý riêng mình nữa. Chúng ta hãy đi theo Đường Thập Giá của Người và phản chiếu ánh sáng của Đường này trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình.
Nói thì dễ nhưng thật sự quả thật là khó. Đơn giản không ai muốn cho đời mình có thập giá.
Với những trải nghiệm trong cuộc đời, từ những người sống đời dâng hiến hay người sống đời hôn nhân gia đình thì ai ai cũng có thánh giá. Tùy mỗi người nặng hay nhẹ cũng như cảm nhận của mỗi người trước thánh giá mà Chúa ban.
Người em kết nghĩa thân thương của tôi vẫn mang trong mình cây thánh giá đời. Em cũng hay chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống mà em gặp phải. Dần dần trao nhau những chia sẻ trong cuộc sống, em bằng lòng với những gì Chúa trao ban : “Ngày xưa ba con còn sống, công việc không tốt như bây giờ. Bây giờ Chúa cho công việc ổn hơn nhưng Chúa cũng trao thánh giá. Con vui lòng vác”.
Chia sẻ với em cũng vậy ! Tôi vẫn có những thánh giá trong cuộc đời như bị gièm pha, bị nói xấu, bị chà đạp … và về sức khỏe. Tôi cũng chia sẻ với em và vài người thân là tôi hoàn toàn bình an với những gì Chúa đang trao ban. Khó khăn đó, thập giá đó nhưng tôi thấy Chúa thương tôi quá nhiều và cho tôi quá nhiều dù tôi chẳng đáng và thậm chí thấy mình bất xứng để nhận những ân huệ đó. Khi nghĩ về đời mình, tôi lại thấm thía tâm tình của Thánh Phaolô : “Ở đâu tội lỗi lan tràn thì ở đó ân sủng chứa chan vô vàn:.
Cơm trưa cùng với em và nữ tu kết nghĩa cũng chia sẻ những tâm tình trong cuộc sống. Chị cũng đã mang trong mình những câu chuyện buồn, những thánh giá của cuộc đời. Thế nhưng Chị vui vẻ đón nhận. Có điều trong thân phận làm người nên Chị cũng buồn và nuối tiếc cho những điều không như mong muốn.
Vậy đó, cuộc đời mà, chả ai là không có thánh giá. Vui lòng vác thánh giá, thánh giá sẽ trở nên nhẹ nhàng. Càng kéo lê thánh giá, thánh giá càng trở nên nặng nề hơn.
Với kinh nghiệm của bản thân, hãy nhìn lên cây thập giá để gẫm suy tình yêu của Chúa như cảm nghiệm của linh mục nhạc sĩ Thành Tâm :
Nhìn thập giá ngất cao Giêsu chịu treo
Con ngẫm suy sao Chúa yêu con làm chi
Kìa trên thiên quốc cõi phúc vinh quang nào thiếu đâu
Mà đến đây chung cùng chia sẻ kiếp người …
Giêsu Giêsu con muốn yêu Ngài tha thiết
Ôi Giêsu Giêsu tình Chúa xiết bao diệu kỳ
Giêsu Giêsu vì sao Ngài hy sinh chết
Chết treo khổ đau thập giá ngất cao chiều nao
Mấy ai biết chăng vì Chúa quá yêu trần gian
Mỗi chúng ta, thân phận yếu hèn, nếu không có Chúa chúng ta sẽ chẳng làm gì được. Trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, ta hãy chiêm ngắm Thánh Giá để khi chiêm ngắm ta thấy Chúa thương ta cách lạ kỳ. Chắc chắn khi nhìn cái Tình Yêu “lạ kỳ” đó, ta sẽ yêu và mến thánh giá mà Chúa gửi đến cho mỗi chúng ta.
Tin tôi đi ! Tôi không nói xạo với bạn đâu ! Hãy yêu mến Thánh Giá và rồi bạn sẽ thấy tình yêu dịu ngọt từ Thánh Giá Chúa cũng như bạn sẽ vui vẻ vác thập giá để trở thành môn đệ của Chúa.
~~~~~~~~~~~~