Tiểu Chủng Viện Sao Biển (1961-1967)

Hè 1961, tôi thi đậu vào Tiểu Chủng Viện Sao Biển Nha Trang. Trước đó tôi không nghĩ đến chuyện đi tu như một lý tưởng dù có cha Trinh (+) thuộc chủng viện Kontum, có gia đình ở trong xứ, đến xin ba mẹ cho tôi lên Kon Tum, hay các cha Phanxicô trên dòng cũng khuyên tôi nhập dòng của họ. Tuy nhiên sau khi thi đậu tôi cũng mừng lắm vì có sự thay đổi và đi xa (cách nhà 2 cây số!).

Thế là tôi trở thành một chú chủng sinh, mặc áo dài thâm, quần trắng. Ngày vào chủng viện, 24 tháng 7 năm 1961, là một ngày nhộn nhịp, người đi qua, kẻ đi lại. Các chú lớp 7 thì có vẻ tự hào lắm vì nay đã có đàn em. Tôi nhận ra trong đám mới đến một anh bạn Ba Làng cùng lớp ở trường La San, Nguyễn Phú Quý và một anh bạn cùng lớp Nhì với chúng tôi ở La San đã vào Chủng Viện trước chúng tôi một năm tên là Nguyễn Hữu Hoàng đang học lớp 7. Vì thế tôi không lấy làm bỡ ngỡ cho lắm, chả bù với các bạn khác từ Cái Sắn (Bồng), từ Sài Gòn (Định) hay Bình Tuy, Phan Thiết ra đây học, lạ người, lạ cảnh.

Thầy giám thị là Đào Trí Cầu, người Kim Ngọc, Phan Thiết. Thầy dáng người thấp, đen, đá banh rất giỏi, nhưng cũng nóng vô cùng. Thầy có cú rờ-ve rất nhanh, tránh không kịp: có lần thầy bạt tai một anh trong lớp tôi, vừa đi vừa đánh khoảng 20 thước! Sang đến năm thứ hai thầy về gia đình và đi lính rồi tử trận tại Thiện Giáo khoảng năm 1964. Thầy cũng dạy văn phạm Pháp và Việt văn. Thầy dạy Pháp Văn là Nguyễn Quang Thạnh (nay là linh mục ở Úc), Toán là thầy Lê Xuân Thượng (+2015), kiêm giám thị chú lớn nay là Đức Ông ở Houston, Texas. Các cha Việt: Mai Khắc Cảnh (+), Nguyễn Quang Sách (+), Nguyễn Hữu Ban (+). Vì là chủng viện thuộc các cha Thừa Sai Ba Lê (Missions Étrangères de Paris) nên cha Giám Đốc là cố Vị (Pierre Jeanningros +), cha quản lý là cố Mollard (+), cha dạy Anh Văn là Lagrange +, La Tinh và Toán cho mấy lớp lớn là cố Hồng (Clause +). Những năm sau này thì có thêm các linh mục và thầy giảng khác. Về linh mục thì có: (xin miễn dùng tước hiệu linh mục) Nguyễn Lộc Huệ, Nguyễn Thạch Ngọc, Jean Hirigoyen (cố Hương), Michel Gervier (cố Lành), Nguyễn Công Phú, Hoàng Kim Đạt, Nguyễn Công Nghị (Giám Đốc), cố Pouclet, Charles Nédélec (cố Đề), Pierre Larroque, Lê Xuân Hoa, Trần Sơn Bích, Hồ Ngọc Hạnh (Giám Đốc), Mai Đức Vinh, Nguyễn Văn Hiền. Các thầy thì có: Nguyễn Minh Thế, Nguyễn Cao Cầu (+), Trần Thanh Phong +, Trần Ngọc Bửu (Bẩm +), Tín, Nhân, Thiện, Hoà, Xin, Tạc +, Thành, ở bên Úc, và Huy, làm thơ rất hay.

Tôi không thể kể ra đây hết chi tiết về cuộc sống tại Tiểu Chủng Viện Sao Biển vì sẽ rất dài. Chỉ xin tóm lại một vài trang.

Cuộc đời chủng sinh là kỷ niệm đẹp nhất trong một đời, dù sau này có "về lại thế gian" hay tiếp tục đến cùng. Các cha, các thầy và các xơ nhà bếp là những đại ân nhân của chúng tôi trên con đường tu học. Công ơn trời bể không bao giờ quên. Riêng các bạn đồng môn, lớp trên hay lớp dưới, cũng là một phần trong cuộc đời của tôi, nhất là các bạn cùng lớp mà người ra đi về nước Chúa đầu tiên là Hồ Xuân Lương (Bình Tuy). Lương mất năm 1968 tại Huế, trong biến cố Mậu Thân mà tôi sẽ kể sau này. Lớp chúng tôi có cả thảy là 41 người, trong đó có hai anh thuộc dân tộc thiểu số (Thượng) do địa phận Kon Tum gởi xuống, Hlan và Lơ. Tôi vẫn còn nhớ tên đủ cả và có cả những tấm hình chụp chung trong chủng viện từ lớp Huitième cho đến lớp Troisième.

Tuy là chủng sinh, nhưng cũng là những cậu bé mới lớn, tràn đầy sức sống, nên chúng tôi cũng nghịch ngợm như bao trẻ khác. Hai năm đầu đã có hai tai nạn. Chiều Chúa nhật và chiều thứ tư, chúng tôi đi promenade (đi dạo) ra ngoài. Dĩ nhiên là phải đi trong hàng, có trật tự dưới sự kiểm soát của thầy giám thị. Năm ấy (1962) chúng tôi leo lên ngọn núi trước mặt Cô Nhi Viện Tin Lành, Núi Sạn. Khi xuống, Đạt, một thủ môn của lớp, đã trợt chân, lăn từ đỉnh núi xuống, dọc theo đường thả đá của các thợ đục đá. Cũng may nhờ Đạt lanh trí cuộn tròn người lại nên chỉ bị gãy chân thôi. Hè năm đó Đạt ở lại chủng viện để ông thầy sửa gân trên Hà Dừa (Ba Thăm) chữa trị. Năm sau Đạt về gia đình. Không lâu sau đó, Huờn (Hộ Diêm) đã bị gãy chân do một chủng sinh Thượng, Kêu, đá trúng chân.

Học lực của tôi trong thời gian ở Sao Biển thuộc vào hạng trên trung bình, nhất là sinh ngữ và La Tinh. Đó cũng là nhờ hai năm ở tiểu học La San và mấy tháng hè học La Tinh do chú tôi kèm. Nhờ thế ba mẹ tôi khỏi phải lo lắng gì về việc học của tôi.

Lỗi lầm mà chúng tôi hay phạm nhất là đánh nhau hay hái trộm dừa để rồi bị quỳ nhà cơm, ăn cơm muối. Tôi chỉ bị phạt đánh đòn một lần năm lên lớp sixième khi đánh lộn với anh Nguyễn Văn Cường (lớp cinquième) vì chuyện đôi dép anh ta liệng lên xà nhà bắt tôi phải leo lên lấy.

Kỳ dư, tôi cũng thuộc loại bình thường, không xuất sắc mà cũng không tệ cho lắm. Đạo đức thì không mang tiếng là " Nhất quỷ nhì ma, thứ ba các chú" mà cũng không được tiếng là thánh như anh Trần Khánh Thành cùng lớp.

Thời gian này Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam đã bắt đầu áp dụng những thay đổi lớn sau Công Đồng Vatican thứ hai (1962-1965). Toàn chủng viện hân hoan đón nhận những canh tân do Công Đồng mang lại. Cha Gérard Gagnon (+), dòng Chúa Cứu Thế, giảng cấm phòng năm 1963, đã sửa soạn cho chúng tôi rất nhiều về những tài liệu mà công đồng sẽ ra sau đó. Trước kia chúng tôi dự thánh lễ bằng Latinh, hát Latinh, ... Nay mọi sự bằng tiếng Việt và cha chủ tế thì quay mặt về phía giáo dân. Song song với những thay đổi đại thể đó, quyền điều hành chủng viện nay đã trao qua cho hàng giáo sĩ bản xứ.

Linh mục Giuse Nguyễn Công Nghị là giám đốc Việt Nam tiên khởi. Việc đầu tiên của ngài là bỏ ái dài đen để thay vào đó là quần tây xanh, áo sơ-mi trắng (1964). Tôi còn nhớ buổi sáng hôm đó, ai cũng nô nức sắp hàng vào nhà nguyện với bộ y phục mới, có biết đâu rằng đó là giây phút lịch sử của chủng viện: thật sự chuyển mình bước qua một giai đoạn mới, giai đoạn tự lập về nhân sự cũng như về phong thái trong chủng viện. Tiếc là không còn chiếc áo dài nào để làm kỷ niệm!

Năm 1966, địa phận mang một tang lớn là Đức Cha Marcel Piquet, MEP, qua đời. Giáo phận trống ngôi khoảng một năm. Sau đó Cha Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận thuộc địa phận Huế, được tấn phong Giám Mục Việt Nam tiên khởi của địa phận Nha Trang (1967).

Sáu năm ở Tiểu Chủng Viện Sao Biển đã đào tạo tôi thành một chủng sinh chững chạc hơn. Nhưng có một nỗi buồn là cả lớp chỉ còn lại có 11 người thôi. Nhiều anh em đã vào quân ngũ, có người tiếp tục lên đại học. Nói chung thì hầu như ai cũng gặp dễ dàng trên đường học vấn nhờ vốn liếng thu lượm ở Chủng Viện, dù là một năm hay nhiều hơn. Được như thế là nhờ ban giám đốc kèm rất ngặt, thi cử hằng tuần, học hành có giờ giấc và làm bài, trả bài hằng ngày. Nhiều lần chúng tôi cảm thấy hơi bất mãn vì quá thiên về sách vở, nhồi sọ nhiều mà quên đi những khả năng phụ thuộc khác của cá nhân như thơ phú, âm nhạc, ...

Cuộc sống tu trì qua nhanh cho đến ngày thi trung học Pháp Brevet (BEPC) tại Collège de Nha Trang. Tôi đậu liền, khỏi vào oral. Sau khi nghỉ hè, lớp chúng tôi được Đức Tân Giám Mục gởi ra học tiếp 3 năm cuối của chương trình trung học Pháp (seconde, première, terminales) tại Trung Học Tư Thục Thiên Hựu, Huế (Institut de la Providence).
Đại Chủng Viện Sao Biển (1975-1979)

Tháng 5/1975, chúng tôi được lệnh bề trên tụ tập về Tiểu Chủng Viện Sao Biển, nay đổi tên là Đại Chủng Viện vì các chú nhỏ không còn học nữa. Thế là bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời tu học: giai đoạn xã hội chủ nghĩa.

Chúng tôi có tất cả 29 anh em thần học và 4 triết: Điệp, Tính, Liệu, Nhị, Hoàng, Bút, Cần, Đông, Độ, Ngạn, Sơn, Lành, Hiền, Hiến, Tình, Báu, Lượng, Thanh, Chí, Xuân Phong, Cao Phong, Hứa, Ninh, Vinh, Minh, Thư, Long, Vân. Các cha giáo sư: Nho (giám đốc), Phi, Phong, Ngọc và một số cha bên ngoài vào dạy. Sau này một số anh em chịu chức sớm chỉ còn lại 21 người. Cũng có năm anh em thuộc Phanxicô ra đây học chung. Ban sáng chúng tôi đi lao động, ban chiều học. Có khi ngược lại. Nhiều đêm còn phải đi gác xóm dưới sự điều động của ban an ninh trong khóm Thanh Hải. Cũng có khi toàn chủng viện đi thủy lợi ba ngày trên vùng Đắc Lộc.

Năm đầu, chúng tôi lo chăm sóc ruộng rau muống trên đường quốc lộ ra đèo Rù Rì. Cũng nhờ chủng viện còn giữ được một garage chứa đầy phân urê nên rau muống của chúng tôi rất tốt, thu hoạch nhiều hơn các ruộng khác. Sau này ruộng đó giao cho anh Hoành và bốn thầy triết chăm sóc nên các anh thần học chỉ lo về vườn trong nhà, mấy con heo, khoảng 100 cây dừa lửa và 30 cây dừa xiêm. Cũng may là Chủng viện đất đai rộng nên những gì chúng tôi cần cho nhu cầu hằng ngày đều có sẵn, nhất là rau và củi nấu.

Tôi thì sau này phụ trách việc đi lấy hèm (bã rượu) từ Ba Làng về nuôi heo nên có hai hỗn danh: thầy heo và thầy hèm! Toàn thể giáo dân Ba Làng đã rộng tay để dành cho chủng viện những nồi hèm nóng hổi (tiếc là ăn không được!). Công ơn ấy xin ghi nhận và xin Chúa bù đắp.

Đi lấy hèm heo trên chiếc xe ba gác cũ kỹ, một nửa thùng phi để đàng trước, có người phụ đi theo. Lúc đi thì phơi phới vì xe nhẹ. Nhưng sau khi thùng hèm đã đầy thì thật là một đoạn đuờng thánh giá! Đất Ba Làng đầy cát nên lại càng thêm gian nan. Nhiều khi xe dở chứng, đứt sên, hư thắng, xẹp bánh, ... dọc đường. Ngày mưa cũng như ngày nắng, tôi đã cố gắng trung thành trong nhiệm vụ. Những chiều thứ bảy thì vất vả hơn vì phải lấy thêm một thùng cho Chúa Nhật. Cảm ơn các anh em đã cùng tôi đi trên những quảng đường đầy sỏi đá ra Ba Làng. Tôi còn nhớ một lần bị thùng hèm còn nóng hổi đổ ụp lên đầu vì bánh trước chiếc xe vướng phải một cục đá!

Sau này tôi nuôi thêm 3 con bò nên cũng được gọi là thầy bò! Công việc chính là đi cắt cỏ sau khi đã đi lấy hèm về. Có bữa lên tận vùng bệnh viện Bài Phung cắt cỏ, tôi bị một con rắn đuổi chạy trối chết! Một buổi chiều khác, đi lấy hèm về, tìm không thấy con bò cái đâu hết. Hoá ra là nó đã chun vào một bụi chuối, cho ra đời một con bê thật dễ thương.

Nói chung thì anh em thay phiên nhau phụ trách từng phạm vi lao động trong nhà. Cũng có năm tôi lo về vườn rau và vườn cà. Công việc này cũng nặng nhọc không kém vì lo bơm phân heo để bón rau cải mà máy bơm bị trục trặc hoài. Có bữa tôi bị cái vòi nước chứa đầy phân heo xịt vào mặt, báo hại phải chạy ra biển để trút hết ... nợ đời! Nhiều ngày còn phải còng lưng để hái cà, tối đến đi khom khom như người mắc bệnh ... ! Ngày hôm sau còn phải dậy lúc 2 giờ sáng để chở cà qua chợ Đầm bán.

Khoảng 1977, chủng viện có hợp tác với một số hàng xóm và dòng Trinh Vương (Mến Thánh Giá Qui Nhơn) nhận cá nơi Xóm Bóng đem về phơi khô rồi giao lại cho nhà nước để lấy chỉ tiêu mua gạo. Tôi được chỉ định cùng với anh Thanh làm trưởng nhóm. Cái nghề này thật lắm gian lao vì không chỉ phải chịu đựng cái mùi cá thum thủm xông lên đến tận óc mà còn phải thuận với thời tiết nữa. Nhiều bữa vừa phơi cá được một nắng thì cơn mưa rào chợt đến. Đang nghe giảng về Thiên Chúa Ba Ngôi trong lớp mà cũng phải bỏ đó, chạy đôn chạy đáo ra khiêng các giàn cá vào nhà kho kẻo mắc mưa thì thúi hết! Lại còn chuyện đạp xe ba-gác xuống nhận cá đem về. Nước cá chảy tràn lan khắp chân. Cũng may là bãi biển ngay đó nên giải quyết được rất nhiều cái nạn xông mùi chung quanh.

Trong thời gian đầu sau 1975, một số anh em triết từ các giáo xứ về nội trú tại Chủng viện. Tiếc là một năm sau đó, anh em phải về nhà vì không có hộ khẩu. Lâu lâu công an đến đánh thức chúng tôi dậy khoảng 2, 3 giờ sáng để kiểm tra hộ khẩu. Dĩ nhiên mọi người đều có mặt nên không có gì trục trặc.

Bắt đầu từ năm 1976 trở đi, làn sóng vượt biên càng ngày càng ồ ạt nên bầu không khí tại vùng Nha Trang có phần căng thẳng hơn. Tất cả các anh em chúng tôi tuy không nói ra nhưng luôn luôn giữ ý chí trung kiên, quyết ở lại để chờ ...(?)

Đến năm 1978 thì chúng tôi học xong chương trình thần học. Chúng tôi đang đứng trước một hoàn cảnh chưa bao giờ nghĩ tới và cũng không sửa soạn kịp để đối đầu: giai đoạn thứ ba trong chương trình huấn luyện. Giai đoạn này là ở lại trong chủng viện và tự túc: ở lại trong chủng viện vì lý do hộ khẩu; tự túc vì nay đã xong chương trình vừa học vừa lao động. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về giai đoạn này. Chắc chắc các đấng bề trên cũng đã phải thao thức để làm sao giải quyết vẹn toàn con số 21 anh em đang kẹt tại chủng viện.
Chúng tôi tự phong cho mình là những thầy già bất đắc dĩ. Một số anh em cùng nhau làm nghề quay cước thành giây neo trong tổ hợp ông Sở cùng với vài xơ Trinh Vương. Riêng tôi thì quyết định đi bán cà-rem ở Lương Sơn qua sự chỉ dẫn của anh Nam, người hàng xóm của chủng viện. Anh này có tài ăn nói, làm đủ trò vui, thu hút nhiều trẻ em đến nên bán thành công. Anh ấy nhường cho tôi một phần trong làng Lương Sơn gần trường học. Mỗi ngày tôi dậy lúc 3 giờ sáng, đạp xe ra hãng, sắp hàng lấy kem, sau đó về trường xem lễ, ăn sáng rồi bắt đầu đạp xe ra đèo, đẩy xe lên đèo, xổ dốc xuống đèo, để đến Lương Sơn bắt đầu một ngày với cái chuông leng keng nơi ghi-đông. Những ngày ấy thật là vất vả. Buổi trưa, sau khi đã bán xong, tôi cũng không dám mua gì để ăn vì phải để dành tiền lời đem về cho mẹ tôi đang chờ ở nhà để mua gạo cho ngày hôm đó. Nhiều bữa bụng đói cũng phải cắn răng chịu. Ngày nào được giáo dân mời ăn trưa thì thật là ... trúng mánh!

Có một lần tôi đánh bạo đổi chỗ bán: qua bên xóm Cồn. Nhưng chả ai thèm mua. May mà tôi dụ được mấy cậu trẻ ở Cồn Giữa, chơi độ bóng chuyền nên ngày hôm đó tiêu thụ hết hai thùng cà-rem. Hú vía! Từ nay xin chừa! Một ngày nọ tôi đạp xe thẳng ra Ninh Hoà bán rồi đi xe đò về. Tính đi tính lại trừ tiền xe rồi thì chẳng lời bao nhiêu!

Buổi chiều tôi đi dạy kèm Pháp văn hoặc dạy Toán ở Nha Trang. Nhiều lúc tôi đánh liều ra Ba Làng mua rượu chở qua phố đưa cho mấy quán cóc để kiếm thêm lời. Dĩ nhiên là rượu lậu. Đã có lần tôi phải khiêng chiếc xe đạp chở hai can rượu, băng qua vùng núi trước dốc nhà Dòng Phanxicô, bây giờ gọi là Lầu Bảy, để tránh những người bên ty thương nghiệp đang chờ ở dưới dốc!

Cũng có ngày tôi nghỉ bán cà-rem, phụ anh Thanh xuống bãi biển Hòn Chồng, đục đá san hô đem về bán cho công ty làm vôi kiếm thêm gạo! Cái nghề đục đá san hô này so với nghề đục đá trên núi thật là vất vả trăm phần! Trước hết phải chờ nước xuống khoảng đến đầu gối bất luận ngày đêm, dù là 2 giờ sáng hay 12 giờ trưa. Sau đó lấy xà-beng đục dưới chân để nạy đá lên rồi khiêng bỏ cục đá lên trên tấm ván đang nổi trên mặt nước. Tiếp theo là dìu tấm ván vào bờ, khiêng đá lên gần đường cái để sau này chất lên xe kéo. Nói ra thì ngắn nhưng có làm thì mới biết cái nặng nhọc của việc đục đá dưới nước, nhiều khi trời rét căm căm hay nắng chang chang, cũng phải gồng mình chịu đựng. Cả một xe chở đầy đá nặng khoảng một tấn chỉ đổi được vài ký gạo. Bây giờ ghi lại kinh nghiệm vất vả này, tôi mới chợt nhận ra là mình đã góp phần phá hoại môi sinh tại vùng biển đó!

Khoảng đầu năm 1978 tôi cũng có học qua nghề làm ghế mây nơi thầy Trúc bên Phước Hải cùng với một vài anh em Phanxicô, nhưng cũng không được lâu vì hàng quá ế ẩm.

Cũng có lúc tôi làm thư ký cho một hãng mộc gần chùa Phật Học, sát bến xe liên tỉnh bây giờ.

Tổng kết lại cho đến ngày ra đi, tôi đã kinh qua khoảng 17 nghề, lớn có, nhỏ có, lâu dài có, ngắn hạn có, hợp pháp cũng như làm chui, như nghề đi bán thuốc lá giả tại Cam Ranh chẳng hạn hay nghề đi làm phụ thợ mộc và xây cất ngoài Dục MỸ (1983).

Do nguồn gốc lao động và qua những chuỗi ngày vất vả, khi thì dưới nước, khi thì trên bờ, tôi đã thấm thía được những khổ ải của một đời đầu tắt mặt tối và những lo âu, chán nản, tuyệt vọng, bất mãn của con người lao động. Và tôi đã luôn luôn kính trọng và tìm cách nâng cao giá trị của những người lao động với thành quả do bàn tay, công sức của mình làm ra.

Khoảng tháng 4 năm 1979, một biến cố quan trọng xảy đến cho địa phận nói chung và Sao Biển nói riêng và đã thay đổi toàn diện những gì chúng tôi đang chờ đợi: lệnh tịch thu Chủng Viện vì lý do an ninh quốc phòng do trung ương gởi vào! Tôi không thể diễn tả nỗi phản ứng của những người trong cuộc lên trên những trang giấy này. Cũng may là Đức Cha và các bề trên đã khôn ngoan xin nhà nước cho phép các chủng sinh được đi đến ở các xứ khác nhau để làm mục vụ như là một sự đổi chác. Thế là tôi được chuyển về giáo xứ Chợ Mới. Có lẽ đây là việc của Chúa Quan Phòng sắp sẵn cho tôi vì trong giấy tờ lúc đầu, tôi được chỉ định ra ngoài Vạn Giã. Cùng đi với tôi lên Chợ Mới có cha Phạm Ngọc Phi và anh Võ Cao Phong.

Còn các anh khác thì phân chia ra như sau: Báu (Vạn Giã), Sơn (Ninh Hoà), Chí (Gò Muồng), Thanh (Đại Điền), Hiền (Cây Vông), Độ, Hứa, Ninh, Tình, Long, Minh, Thư, Vân (Hà Dừa), Lượng (Hoà Tân), Xuân Phong (Tân Bình), Ngạn (Hoà Yên), Phú (Đồng Lác), Hiến, Lành (tại gia).

Ngày rời Chủng viện (1/6/1979) tôi rưng rưng nước mắt. Chủng Viện đã mất quá sớm, chỉ tròn có 21 tuổi đời (1958-1979)! Sau này tôi có viết một bài thơ ngắn về buổi hôm đó:
 

Nhưng Mẹ ơi, từ ngày đen tối ấy,
Ngày đàn con phải cất bước ra đi,
Cổng sắt kia cũng đã biết sân si,
Rít lên tiếng đau thương muôn hờn tủi.
Mẹ đứng đó, lặng nhìn đàn con cái
Xếp hành trang trong ngấn lệ dâng tràn,
Khấn nguyện thầm cho chúng mãi yên hàn
Giữa cuộc đời gian truân đầy khổ ải.
Thế là hết những buổi chiều thứ Bảy,
Ngập tràn câu: Kính chào Mẹ, Ave!
Để rồi đây mỗi lúc bóng đêm về,
Mẹ nhớ đến đàn con xa lìa tổ.
Mẹ đứng đó, nguyện cùng Thiên Chúa cả,
Giúp các con giữ mãi mãi tình thân,
Giữa anh em của một Mẹ từ nhân,
Sống xứng đáng là con yêu Sao Biển.


(trích từ bài : Nhớ Mẹ Sao Biển,, Hoa Kỳ 1988)

Cánh cổng sắt mà còn biết sân si, biết giận hờn. Tiếng kẽo kẹt của nó không như ngày xưa, vui tươi đón một ngày mới hay thoải mái sau một ngày yên hàn. Nó rít lên sau lưng chúng tôi như nói lời vĩnh biệt. Ngày xưa, khi còn nhỏ, tôi không cảm thấy được nét đẹp của những hàng dừa rợp bóng hay những chùm cây soan (sầu đông) mà chính tay tôi đã góp phần vun tưới. Ngày xưa tôi cũng đã không thấy được vẻ thơ mộng dưới những hàng cây dương liễu thơm mùi biển mặn, che nắng cho chúng tôi, hay những đêm trăng sáng vằng vặc trên bãi biển Chủng Viện.

Chỉ khi ngoái đầu trở lại nhìn lần cuối mới cảm thấy bịn rịn trước dáng vẻ dịu dàng và từ mẫu của ngôi nhà thân yêu Sao Biển. Xin vĩnh biệt!